Để diêm dân sống được với nghề: Khi hạt muối chưa nuôi nổi người làm (Bài 1)

17:26' - 20/01/2017
BNEWS Muối tồn trong kho nhiều, giá muối lại xuống quá thấp khiến nhiều diêm dân không muốn sản xuất, phần thì chuyển sang nghề khác, phần đi làm thuê nguy cơ bỏ ruộng muối cũng rất cao.
Hạt muối vẫn chưa nuôi nổi người làm muối. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử- TTXVN
Hiện nay, đang là thời điểm bà con diêm dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu ra đồng be bờ, phơi ruộng, san nền, lu nền… để bắt đầu cho vụ muối mới. Thế nhưng, chưa năm nào các đồng muối trên địa bàn tỉnh lại “đìu hiu” như năm nay. Trên các cánh đồng muối của tỉnh chỉ lưa thưa vài người. Muối tồn trong kho nhiều, giá muối lại xuống quá thấp khiến nhiều diêm dân không muốn sản xuất, phần thì chuyển sang nghề khác, phần đi làm thuê nguy cơ bỏ ruộng muối cũng rất cao. Mặc dù, nhiều năm nay Muối Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thương hiệu nhưng hạt muối vẫn bấp bênh, đời sống diêm dân vẫn còn nhiều khó khăn. 

* Giá không ổn định 

Từ năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu muối cho Bà Rịa-Vũng Tàu với tên gọi “Muối Bà Rịa”. Những tưởng đây sẽ là cơ hội, bước ngoặt lớn, là tấm vé thông hành giúp cho sản phẩm muối Bà Rịa-Vũng Tàu có thể cạnh tranh với các tỉnh, thành và là cơ hội để muối Bà Rịa-Vũng Tàu có thể vươn ra thị trường. Thế nhưng, sau hơn 3 năm có thương hiệu, nghề muối của tỉnh vẫn gặp trăm bề khó khăn, đời sống diêm dân không mấy được cải thiện. 

Hiện nay, sản phẩm Muối Bà Rịa chủ yếu phục vụ cho đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Thị trường tiêu thụ chính tại các tỉnh miền Tây chủ yếu là Phú Quốc (làm nước mắm), Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai…và một phần được được bán cho các tàu, ghe, một số hộ làm nước mắm trên địa bàn tỉnh. Việc tiêu thụ muối phụ thuộc nhiều vào đánh bắt thủy hải sản, khi thời tiết thuận lợi việc đánh bắt thủy hải sản tăng thì sản lượng tiêu thụ muối mới tăng. Đây là một phần nguyên nhân khiến cho việc tiêu thụ muối của diêm dân trong tỉnh bị động, dẫn đến tình trạng giá muối không ổn định. 

Đến cánh đồng muối lớn nhất của tỉnh xã An Ngãi, huyện Long Điền đang bắt đầu vào vụ nhưng không còn cảnh sáng sớm tinh mơ diêm dân ra làm muối nữa. Muối vẫn còn nhiều ụ chất đống ngoài đồng do tồn kho từ 3 năm nay vẫn chưa tiêu thụ hết được. Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Sản xuất muối Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền chia sẻ, nghề muối ở Long Điền những năm trở lại đây vốn đã nhạt nhòa, không còn cảnh " ba làm, con xem nữa". Lớp trẻ đi làm công nhân hết, chỉ còn cảnh lao động già bám ruộng. Thời gian gần đây, diện tích muối giảm nhiều, người dân bán ruộng tìm cách khác nuôi thân, ít người mặn mà với nghề. Giá muối rớt xuống thê thảm lại còn không tiêu thụ được, nếu cứ thế này, diêm dân thà để ruộng không cho đỡ lỗ, chứ không thể sản xuất thêm nữa. 

Ông Nguyễn Văn Ba, ở xã An Ngãi, huyện Long Điền năm nay đã 65 tuổi, có đến 45 năm gắn bó với nghề làm muối. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ba cho hay, con cái cũng khó khăn, cũng lam lũ nên dù tuổi đã cao ông vẫn phải gắng ra đồng để kiếm đồng đồng gạo, đi đình đám… Ruộng muối của ông Ba rộng 1,4 ha, niên vụ 2015-2016 ông thu hoạch trên 100 tấn, do giá muối rẻ ông làm được mấy lứa rồi bỏ không làm nữa. Thế nhưng 100 tấn muối của ông thương lái không mua nên muối vẫn tồn từng đống trên đồng. Mà có bán thì giá rẻ như cho 350 đồng/kg. Với giá này muối có bán được cũng không đủ trang trải tiền nhân công cào muối, niên vụ vừa rồi ông còn phải bỏ tiền túi ra 20 triệu để sản xuất muối. 

Ông Ba cho biết: " Diêm dân chúng tôi bỏ ruộng cũng không được, vì chỉ cần bỏ ruộng một vụ thôi vụ sau chi phí để cải tạo lại ruộng muối sẽ tăng gấp đôi, mất rất nhiều công sức. Thế nên niên vụ vừa qua tôi chỉ làm có mấy đợt muối rồi nghỉ để giữ ruộng”. 

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng muối tồn kho trong diêm dân trên địa bàn tỉnh không tiêu thụ được lên tới 36.000 tấn (còn tồn 50% sản lượng của niên vụ), tính cả cả tồn kho của 3 vụ trước là hơn 111.400 tấn. Nhiều hộ dân bán với giá rẻ chỉ khoảng 300 đến 380 đồng/kg muối, họ chấp nhận lỗ để bán số muối tồn kho này để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, để có nơi chuẩn bị cho sản xuất vụ mới. 

* Nhiều hệ lụy 

Gía muối giảm kéo theo đó là việc người dân cũng không có vốn để mở rộng sản xuất hay áp dụng các phương pháp mới vào sản xuất muối như: phương pháp trải bạt ô kết tinh (sản xuất muối sạch). Diêm dân Nguyễn Văn Gia, huyện Long Điền cho hay cứ 2.000 m2 thu về khoảng 120 tấn muối sạch/vụ thì phải tốn khoảng 100 triệu đồng tiền chi phí đầu tư bạt để trải. Với giá muối thấp và bấp bênh như nhiều năm gần đây nhiều diêm dân không có vốn đầu tư, nên hiện nay nhiều diêm dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn giữ cách sản xuất muối theo phương pháp truyền thống. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 717 hộ sản xuất muối, với 879 ha, thế nhưng chỉ có 22 hộ/30ha sản xuất muối trải bạt. 

Việc giá muối giảm cũng kéo theo việc thiếu hụt trầm trọng lao động nghề muối. Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thu nhập nghề muối hiện nay bình quân chỉ đạt 18 triệu đồng/lao động/niên vụ, chính vì thu nhập thấp nên số lao động nghề muối đang giảm theo từng năm. Cụ thể, riêng niên vụ muối năm 2015-2016 toàn tỉnh đã giảm 206 lao động nghề muối so với niên vụ 2014-2015. Đặc biệt, hiện nay nghề này hầu như không còn lao động là người trẻ theo nghề, hầu hết lao động nghề muối của tỉnh bây giờ là lao động trung tuổi. 

Ông Nguyễn Văn Gia chia sẻ, hiện nay tiền công cho 1 lao động làm muối là 120.000 đồng/công làm 4h đồng hồ, thế nhưng việc kiếm nhân công để làm muối hiện nay cực kỳ khó khăn, nhất là lao động lứa tuổi thanh niên, nhân công chủ yếu là người trung niên. Ông Gia so sánh, hiện nay 1 lao động làm nghề phụ hồ hay thợ xây 1 ngày cũng kiếm được 250.000 đồng đến 300.000 đồng, thế nên dù chỉ làm 4 tiếng đồng hồ mà tiền công như vậy cũng không ai chịu làm. 

Ông Chế Đình Huê, một diêm dân ở huyện Long Điền chia sẻ, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất muối góp phần giảm chi phí lao động, giá thành, tiết kiệm thời gian, tăng lợi nhuận… Nhưng diêm dân cũng gặp nhiều khó khăn, do hiện nay giá thành của các loại máy móc phục vụ việc sản xuất muối như: máy lu nền, quạt gió… còn cao trong khi đó giá muối lại quá thấp, nên rất ít diêm dân có cơ hội tiếp cận được loại máy này. 

Bà con diêm dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có một phép so sánh, với giá muối thấp như hiện nay thì cứ khoảng hơn 30kg muối thì bà con mới có thể mua được 1kg gạo. Nhưng cuộc sống thì không chỉ cần có mỗi hạt gạo để ăn, còn bao chi phí khác của diêm dân đang cần hạt muối gánh gồng... Và nghề muối – tổ nghiệp của diêm dân từ bao đời, nay đã không thể nuôi nổi người làm muối./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục