Đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

12:23' - 13/03/2024
BNEWS Ngày 13/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 16 quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Ngày 13/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 16 quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Nghị quyết thông qua Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1745/QĐTTg ngày 30/12/2023) và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024) làm cơ sở tổ chức lập Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I, trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo điều kiện trình đề nghị Quốc hội quyết định việc thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc xây dựng Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I là yêu cầu khách quan, phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của tỉnh trong xu thế hội nhập, phù hợp các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ; đồng thời tạo ra cơ hội mới để địa phương tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

 

Phạm vi nghiên cứu, đánh giá của đề án gồm hai quận nội thị: Quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương (tách ra từ thành phố Huế hiện nay); các đô thị trực thuộc là thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền; các huyện ngoại thành gồm Quảng Điền, Phú Vang, A Lưới và khu vực dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc và Nam Đông.

Trên cơ sở thực trạng, đối chiếu quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 về phân loại đô thị, tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá đạt 84,92/100 điểm (Khung điểm theo quy định yêu cầu đạt từ 75 - 100 điểm), đảm bảo điều kiện trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.

Cụ thể, trong tổng số 63 tiêu chuẩn, Thừa Thiên - Huế có 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa; 28 tiêu chuẩn đạt điểm theo quy định, trong đó có 8 tiêu chuẩn áp dụng đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định tại mục đ, điểm 2, khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 (bao gồm: thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất; tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn so với cả nước; mật độ dân số toàn đô thị; mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, thị trấn; công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị; mật độ đường cống thoát nước chính; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật).

Thừa Thiên - Huế có 7 tiêu chuẩn chưa đạt điểm gồm: tỷ lệ tăng dân số; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; mật độ đường giao thông đô thị; diện tích đất giao thông bình quân đầu người; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; quy chế quản lý kiến trúc đô thị; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục