Để những con tàu 67 không còn phải "liều mạng" ra khơi

11:13' - 07/07/2017
BNEWS Rất nhiều tàu của Quảng Trị được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ chưa được hỗ trợ mua bảo hiểm thân vỏ tàu theo Quy định của Chính phủ.

Thế nhưng bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập, những con tàu này vẫn vươn khơi trong nơm nớp lo sợ trước những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.

Tàu đóng mới theo nghị định 67. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN

Ông Bùi Đình Huệ, chủ tàu Đình Huệ 07 số QT 91999 TS, ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị, cho biết: Đầu năm 2017, tàu của gia đình ông được đóng mới theo Nghị định 67 trị giá 19,9 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ bảo hiểm thân, vỏ tàu. Để ra khơi chuyến đầu tiên, gia đình ông phải bỏ gần 28 triệu đồng mua bảo hiểm thân vỏ tàu và bảo hiểm cho 10 thuyền viên trong 3 tháng.

Theo ông Bùi Đình Huệ tàu của gia đình ông có công suất lớn, để chi phí cho một chuyến ra khơi tốn rất nhiều kinh phí chưa nói đến việc ra vùng biển xa không may có sự cố là chuyến đi biển mất trắng... Vì vậy, tàu không có bảo hiểm là ngư dân trắng tay. Để mua được bảo hiểm cho tàu theo quy định của nhà nước thì ngư dân không đủ khả năng vì giá cao. Nếu tàu trị giá 20 tỷ đồng phải mất từ 200-300 triệu đồng/tàu/năm tiền mua bảo hiểm.

Theo Quy định tàu vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ bắt buộc phải có bảo hiểm mới được vươn khơi, do đó Quảng Trị có nhiều tàu đã được hạ thủy nhưng chưa thể vươn khơi. Chủ tàu QT 92567 TS, ông Võ Văn Thức, thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cho biết: Sau hơn một năm được đóng mới tàu công suất 600CV giá trị 19,6 tỷ đồng, tàu của gia đình ông đã hạ thủy hơn 1 tháng.

Mọi ngư lưới cụ, trang thiết bị hành nghề, thuyền viên đã tập kết đầy đủ, nhưng chưa mua được bảo hiểm nên tàu chưa thể xuất bến. Hiện tàu của gia đình ông Thức vẫn đậu ở Cảng cá Cửa Việt. Nếu bây giờ ông Thức bỏ tiền ra mua bảo hiểm bên ngoài thì phải chi số tiền khoảng 200 triệu đồng, trong khi nếu được nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 67 thì chỉ mất khoảng 20 triệu đồng.

Theo Nghị định 67, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác, tàu dịch vụ hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90CV trở lên (điều kiện phải là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá).

Cụ thể hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ 70%-90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (mức hỗ trợ tương ứng với công suất máy chính của tàu dưới 400CV và trên 400CV).

Nhiều ngư dân vẫn chưa thể mua được gói bảo hiểm thân tàu ưu đãi. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN

Khi Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và hỗ trợ ngư dân đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2016, các doanh nghiệp bảo hiểm ngừng cung cấp sản phẩm bảo hiểm tàu cá. Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo, đề xuất của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67 thêm 1 năm, đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, tại Quảng Trị đến nay ngư dân tàu 67 vẫn chưa thể mua được gói bảo hiểm thân tàu ưu đãi, mà hầu hết đều phải tự bỏ tiền mua hoặc nằm ở bến chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Đỗ Văn Mão - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Cửa Việt cho biết: Huyện Gio Linh có 10 chiếc tàu đóng mới theo Nghị định 67, trong đó có 7 tàu sắt và 3 tàu gỗ; 63 chiếc tàu được nâng cấp với số tiền trung bình khoảng 1,1 tỷ đồng.

Trong tổng số 73 chiếc tàu Nghị định 67 có đến 30 chiếc tàu hết hạn bảo hiểm thân, vỏ tàu nhưng chưa được mua bảo hiểm lại. Lý do người dân không “mặn mà” với việc mua bảo hiểm cũng bởi số tiền quá cao, chiếm 10% giá trị con tàu.

Trong khi đó, nếu để tàu nằm bờ thì đời sống người dân sẽ lâm vào khó khăn với các khoản nợ ngân hàng và những chi phí phát sinh. Để đảm bảo an toàn, Đồn biên phòng và Ngân hàng đã tiến hành động viên chủ tàu cá mua gói bảo hiểm ngắn hạn 3 tháng.

Tuy nhiên, thực tế hiện vẫn còn rất nhiều những con tàu 67 “liều mạng” ra khơi khi chưa mua bảo hiểm. Trung tá Nguyên Công Trình, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cảng Cửa khẩu Cửa Việt cho biết: Tất cả các tàu khi xuất bến tại cửa lạch, cửa biển đều phải đầy đủ các giấy tờ, trong đó có bảo hiểm về thân, vỏ tàu. Năm 2016, nhiều tàu được đóng mới theo Nghị định 67 chưa mua được bảo hiểm với lý do số tiền phải chi rất lớn.

Việc mua bảo hiểm được hỗ trợ theo Nghị định 67, nhưng nhìn chung các tàu 67 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và thị trấn Cửa Việt nói riêng chưa được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm. Đơn vị cũng phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động bà con mua bảo hiểm bảo vệ tài sản. Các cơ quan, ban, ngành cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để bà con tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ mua bảo hiểm thân, vỏ tàu, đảm bảo điều kiện ra khơi bám biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục