Để Việt Nam có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu

16:16' - 21/11/2023
BNEWS Việc Việt Nam – Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện mở ra cơ hội để hai bên “khởi động” những lĩnh vực hợp tác mới đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thường niên năm 2023 với chủ đề “Nâng tầm – Khởi động” do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21/11.

 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden chính thức tuyên bố nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 11/9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và sâu sắc cũng như đứng trước những thách thức chưa từng có, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng đang đặt ra những yêu cầu mới về phương thức hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa các nước.

Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao, yếu tố chu kỳ và lượng dự trữ hàng tồn kho lớn cũng khiến xuất khấu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sụt giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây, cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất đang giúp sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử... được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất luợng ngày càng được cải thiện. Sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn nhưng để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

“Việc hai nước chính thức "nâng tầm" quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để “khởi động” những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, tập trung vào đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...”, ông Đỗ Thắng Hải nêu góc nhìn.

Bà Barbara Weisel, Chuyên gia Luật Thương mại quốc tế, nguyên Trợ lý đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, đây là thời điểm đặc biệt thú vị trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Việc hai quốc gia đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện hai bên xác định một mối quan hệ năng động, phát triển với nhiều hứa hẹn về sự hợp tác và cơ hội lớn hơn nữa trong tương lai.

Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam phát triển mạnh mẽ và ổn định, lực lượng lao động trẻ và có học thức, tinh thần kinh doanh và mạng lưới thương mại tự do đã khiến Việt Nam trở thành nước hưởng lợi hàng đầu từ sự quan tâm của nhiều quốc gia và công ty trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo khả năng phục hồi và an ninh kinh tế tốt hơn.

Nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này, cùng với các yếu tố khác, Việt Nam đã đạt được mức tăng thị phần tại Hoa Kỳ lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tính đến tháng 9/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gần 15%; trong khi xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ tương tự. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng; trong đó các công ty Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam năng động và ngày càng có nhiều công ty Việt Nam, bao gồm cả các nhà sản xuất xe điện, nhìn thấy cơ hội đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ.

“Việt Nam và Hoa Kỳ nên tích cực hợp tác để đi đầu trong việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực mà cả hai đều coi là ưu tiên. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải hành động nhanh chóng để xây dựng kế hoạch, chiến lược mang lại lợi ích kinh tế cụ thể trong giai đoạn các công ty toàn cầu đang chú ý đến các khoản đầu tư mới trong khu vực và tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, bà Barbara Weisel nêu khuyến nghị.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chuyên gia cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư vừa là trọng tâm, vừa là cơ sở và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Ở lĩnh vực thương mại, Hoa Kỳ là thị trường có yêu cầu cao, nhưng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong ngành hàng nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ... 

Về đầu tư, Hoa Kỳ tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, ngân hàng…

Trong khi đó, Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Việt Nam ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được xác lập cùng với sự hiểu biết sâu sắc, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước đang tạo ra những cơ hội lớn.

Bên cạnh đó, sự bổ trợ của hai nền kinh tế (vốn, lao động, hàng hóa) cùng nhiều lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá chưa được khai thác và phát huy giá trị là dư địa để hai bên tiếp tục khai phá tiềm năng lẫn nhau. 

Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Để tận dụng các cơ hội đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển. Về phía doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tích cực chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với sự hợp tác và dẫn dắt của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục