Đề xuất hỗ trợ tiểu thương ở các chợ truyền thống

13:07' - 18/06/2021
BNEWS Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách nhà nước đối với tiểu thương, thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, lĩnh vực thương mại là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hoạt động kinh doanh tại mạng lưới chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 6 đến nay, để đảm bảo tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội trong 4 tuần liên tiếp đã tác động mạnh đến tiểu thương, thương nhân.
Ghi nhận thực tế tại mạng lưới chợ truyền thống như: Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Thạnh Đông Tây, Tân Bình, An Đông... hoạt động kinh doanh khá trầm lắng và không khí bán buôn đìu hiu hơn bao giờ hết.

Song song đó, sức mua trên thị trường ngày càng giảm nên các tiểu thương, thương nhân hoạt động tại mạng lưới chợ truyền thống buộc phải tinh gọn quầy/sạp, giao nhận hàng hóa và nhất là giảm quy mô kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Trà Thy, tiểu thương chợ An Đông, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay sức mua tại chợ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, nhiều đơn vị kinh doanh hàng hóa không thiết yếu chủ động chuyển đổi ngành hàng hoặc tạm đóng cửa.

Còn những đơn vị kinh doanh khác chỉ bán buôn cầm chừng để kiếm thu nhập thanh toán chi phí thuê quầy/sạp, trả lương cho người lao động...
Tương tự, ông Hùng Minh, thương nhân chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách liên tục 4 tuần đã cho thấy những tác động không nhỏ đến hoạt động bán buôn tại chợ đầu mối lẫn chợ truyền thống.

Ngoài việc sức mua giảm, tiểu thương, thương nhân còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong giao dịch, vận chuyển hàng hóa... cũng như đảm bảo điều kiện tiên quyết về thực hiện phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
"Hơn thế nữa, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này bùng phát ở nhiều địa phương; trong đó có các tỉnh, thành lân cận Tp. Hồ Chí Minh và là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho Tp. Hồ Chí Minh nên giao dịch thương mại của tiểu thương, thương nhân gặp trở ngại.

Nhiều tỉnh, thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh nên khâu vận chuyển, cung ứng hàng hóa... được thực hiện mất thời gian và phát sinh thêm một số chi phí", ông Hùng minh chia sẻ thêm.
Hiện nay, hầu hết mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều triển khai nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch COVID-19 như kiểm tra, giám sát người ra vào chợ thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế và quy định của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh.

Tại những lối ra vào chính của chợ truyền thống, Ban quản lý chợ đều phân bố lực lượng bảo vệ để tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn những người dân đến chợ đảm bảo an toàn trong giao dịch, mua bán...
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Uyên Hoàng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối dịch bệnh như hiện nay, người dân ưu tiên lựa chọn mua sắm tại kênh bán lẻ hiện đại và kênh mua sắm online là đều tất yếu.

Cùng với đó, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều hộ gia đình nên họ có xu hướng cắt giảm chi tiêu, chỉ mua cần và đủ. Đây là những nguyên nhân dẫn đến mạng lưới chợ truyền thống thưa khách hàng và doanh số giảm sút.
Còn theo một số người tiêu dùng khác tại Tp. Hồ Chí Minh, kênh bán lẻ hiện đại đã và đang mở rộng hệ thống len lõi vào khu dân cư, nên chỉ cần ra đầu ngõ là có cửa hàng tiện lợi hay siêu thị.

Những mô hình kinh doanh này, không chỉ đáp ứng đa dạng ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, mà còn nhận đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi... nên người dân có thể đi chợ tại nhà bất cứ lúc nào trong ngày.
Trước tình trạng khó khăn của tiểu thương, thương nhân kinh doanh tại mạng lưới chợ truyền thống, mới đây Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố về chủ trương hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách nhà nước đối với tiểu thương, thương nhân kinh doanh tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn.

Theo đó, mức hỗ trợ sẽ phân bổ theo từng hạng chợ, tương ứng 50% mức thu phí tại chợ, với thời gian trong khoảng 6 tháng (dự kiến từ tháng 7 đến hết tháng 12//2021).
Cụ thể, 14 chợ hạng 1 có mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2/tháng; 52 chợ hạng 2 có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m2/tháng; 168 chợ hạng 3 có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2/tháng... Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên toàn địa bàn,  Sở Công Thương Tp. Hồ Chí minh dự toán tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 76 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối tượng nhận hỗ trợ là các cá nhân, tổ chức có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, kiot, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ. Đồng thời, những đơn vị này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, có mã số thuế và theo danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ.
Đánh giá mạng lưới chợ truyền thống, nhất là các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn đóng vai trò quan trọng, vì là nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường, trước đó Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh xem xét bổ sung thương nhân, nhân viên và người lao động tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn vào đối tượng tiêm vaccine COVID-19.
Đồng thời, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng không ngừng theo dõi, bám sát hoạt động của mạng lưới chợ truyền thống nó riêng và hoạt động của ngành thương mại nói chung để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho tiểu thương, thương nhân, nhà bán lẻ và đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục