Đến năm 2020, Hà Nội sẽ không dùng túi ni-lon trong hoạt động thường ngày

18:58' - 28/06/2019
BNEWS Hà Nội sẽ tiến tới không sử dụng túi ni-lon trong các hoạt động thường nhật từ nay đến năm 2020
Ngày 28/6, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã tham gia hội nghị "Chung tay hành động chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng" do Sở Công thương Hà Nội tổ chức.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Anh - TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan phải quan tâm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa; không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ nay đến năm 2020; tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, người lao động trong đơn vị cùng chung tay chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn góp phần phổ biến tới các thành viên trong gia đình và xã hội.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đơn vị quản lý, khai thác chợ…, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị cần tổ chức hiệu quả Bản cam kết chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng đã ký kết, phấn đấu đến hết ngày 31/12/2020, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao thực hiện; đồng thời, tích cực chung tay tuyên truyền, phổ biến tới các đối tác, khách hàng, người tiêu dùng trong hoạt động “Chống rác thải nhựa”.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, để hạn chế việc phát thải rác thải nhựa, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cùng chung tay chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.

Cùng đó, triển khai đồng bộ đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng thực hiện cảm kết trong công tác chống rác thải nhựa và thực hiện lộ trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lon khó phân hủy; các trung tâm thương mại, siêu thị phấn đấu đến hết ngày 31/12/2020, 100% không dùng túi nilon khó phân hủy…

Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối đã ký cam kết tham gia công tác chống rác thải nhựa do Chính phủ và thành phố Hà Nội phát động. Ảnh: Phương Anh - TTXVN
Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sài gòn Coopmart miền Bắc, hưởng ứng "Tháng Tiêu dùng xanh" tất cả hệ thống của Sài gòn Coopmart không kinh doanh các sản phẩm có hại cho môi trường cũng như ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút nhựa, bát đĩa, cốc nhựa ... thay bằng các sản phẩm có chất liệu khác, thân thiện môi trường. Đặc biệt, khi xã hội, các nhà sản xuất cùng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thì các sản phẩm nhựa sẽ giảm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có ý kiến về những khó khăn khi doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường như về nguồn vốn, tiêu chuẩn, công nghệ...

Đại diện Công ty CP Bao bì 27-7 Hà Nội ông Lê Mậu Quang chia sẻ: Công ty rất ủng hộ chủ trương phát triển bền vững của Chính phủ và Thành phố. Đây là việc làm quan trọng cho tương lai nên Công ty cam kết đến năm 2020 chỉ sản xuất sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.

Hiện nay, Công ty đã chuyển đổi khoảng 50% bao bì sang thân thiện môi trường, đầu tư hàng triệu đô để đưa vào sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Là đơn vị đầu tiên của Hà Nội làm túi thân thiện môi trường, túi dệt dù vẫn là túi nhựa nhưng tái sử dụng được nhiều lần, giảm bớt thải ra môi trường.

Cũng theo ông Lê Mậu Quang, việc chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, vì các doanh nghiệp bao bì phải tự chủ, chuyển đổi, sau này bao bì nhựa, túi sử dụng một lần là không dùng nữa, nhất là khó xuất khẩu vì quy định của các nước càng ngày càng chặt.

Với 1 doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực kinh tế thì có thể dễ chuyển đổi nhưng với các tổ hợp sản xuất, hoặc cá thể thì khó để chuyển đổi. Vì để chuyển đổi đòi hỏi đầu tư dây chuyền công nghệ là rất lớn cho nên thành phố Hà Nội cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi để các cơ sở này chuyển đổi công nghệ tiên tiến và hiện đại. 

Tại Hội nghị các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối cũng đã báo cáo tình hình sản xuất, sử dụng và lộ trình giảm việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồng thời cam kết tham gia chống rác thải nhựa do Chính phủ và thành phố Hà Nội phát động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục