Đến năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có 572 chương trình đào tạo

21:48' - 14/12/2021
BNEWS Với số chương trình hiện có và số chương trình được quy hoạch, đến năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ký Quyết định số 4033/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo quy hoạch này, với số chương trình hiện có và số chương trình được quy hoạch, đến năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại; trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sĩ và 155 chương trình đào tạo tiến sĩ.

So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm nhiều ngành mới. Trong đó, bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sĩ có 118 ngành và bậc tiến sĩ có 55 ngành.

Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sĩ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sĩ. Những ngành thí điểm là những ngành chưa có tên trong danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và đã được đánh mã số. Những ngành thí điểm này là “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Trong những giai đoạn trước, nhiều ngành thí điểm sau đó đã được đưa vào danh mục của Nhà nước và triển khai đào tạo trong toàn quốc, được khẳng định và đánh giá cao như: Thạc sĩ và tiến sĩ Đo lường đánh giá trong giáo dục; kỹ sư Công nghệ - Kỹ thuật xây dựng - Giao thông;

Kỹ sư Tự động hóa và Tin học; Công nghệ Hàng không - Vũ trụ; cử nhân Khoa học dữ liệu; kỹ sư Năng lượng, Vật liệu và Linh kiện nano; An ninh phi truyền thống; Biến đổi khí hậu... Những ngành, chuyên ngành thí điểm là kết quả của hoạt động nghiên cứu và hội nhập quốc tế, thể hiện sự tiên phong dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Quyết định 4033 ra đời không chỉ nhằm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quy chế về tổ chức, hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên mà còn bởi chính động lực phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giúp giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội, tránh nguy cơ đầu tư dàn trải, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực đào tạo; đồng thời, tạo sự liên thông trong cùng đơn vị và giữa các đơn vị nhằm phát huy sức mạnh của từng đơn vị, sức mạnh tổng hợp của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việc quy hoạch này cũng giúp Đại học Quốc gia Hà Nội tìm tòi, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, độc đáo, tiên phong mang thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quá trình xây dựng, phê duyệt quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo là cơ hội để các đơn vị rà soát, xác định rõ chiến lược, kế hoạch, lộ trình phát triển các ngành nghề đào tạo cho từng giai đoạn. Từ đó chủ động, có định hướng đầu tư, phát triển nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và các điều kiện đảm bảo chất lượng tương ứng.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng: Thời gian tới, sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra và đương nhiên kéo theo cả sự đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức tuyển sinh đầu vào.

Từ đó, sẽ mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học, cả cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học.

Với bản đồ quy hoạch này, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thêm thông tin cho công tác quản lý, điều hành và định hướng phát triển cho hoạt động đào tạo cũng như nghiên cứu của cả nước, góp phần vào việc xây dựng, định hướng cho cả chiến lược giáo dục đại học và chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục