Dịch COVID-19: Doanh nghiệp mở thêm thị trường để giảm thiểu tác động

11:03' - 04/04/2020
BNEWS Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Nghệ An có sự phụ thuộc vào thị trường như Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, thay đổi chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm cơ hội chính trong thách thức. 

*"Trong nguy có cơ"

Công ty cổ phần Khoáng sản Á Châu – AMC là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu bột đá vôi siêu mịn (CaCO3) – không tráng phủ và có tráng phủ axit stearic – ở Việt Nam. Sản phẩm bột đá do nhà máy sản xuất chủ yếu xuất khẩu đi thị trường các nước; trong đó có xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên tình hình xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm đang bị chững lại.

“Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường chiếm 50% doanh số xuất khẩu của công ty, tuy nhiên tại thời điểm hiện nay cũng chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. Trước sức cầu của thị trường giảm, công ty lên phương án giảm sản lượng, cố gắng cắt giảm tối đa chi phí thay vào đó đầu tư công nghệ máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường thị trường trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường mới ở nước ngoài để sau khi dịch qua đi sẽ tăng tốc sản xuất kinh doanh trở lại”, ông Lê Xuân Chiêu - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cổ phần Khoáng sản Á Châu – AMC cho biết.

Trong khi đó, thay vì chỉ kinh doanh ốp tường nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên giao thương đình trệ, Công ty cổ phần Thương mại ABT quyết định đầu tư trên 4 tỷ đồng để trang bị máy móc sản xuất sản phẩm ốp tường bởi nguyên liệu đầu vào như bột đá có thể chủ động được từ trong tỉnh và trong nước, điều này có thể đưa công ty hoạt động trở lại và duy trì việc làm cho 60 lao động.

“Chúng tôi cũng phải tự thay đổi mình vận hành và tìm các nguồn hàng, nơi nhập hàng phù hợp hơn để không bị ảnh hưởng tới quá trình sản xuất cũng như tồn kho. Chúng tôi chủ động hơn với các nguồn hàng trong nước và các nước Đông Nam Á”, ông Đỗ Sỹ Quang – Giám đốc  Công ty cổ phần Thương mại ABT chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản ở Quỳnh Lưu cũng đang tìm giải pháp để lưu thông hàng hóa. Ông Hồ Văn Lực – chủ cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản ở xã Tiến Thủy cho biết, hiện nay, hải sản đánh bắt ở Quỳnh Lưu chủ yếu là những loài truyền thống và phần lớn phục vụ thị trường nội địa. Riêng với một số hải sản có giá trị cao như cá hố, cá ngừ, cá thu.. thuộc đối tượng xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 kéo dài.

“Thời gian tới cơ sở sẽ tập trung thu mua và sơ chế thành dạng cá một nắng, sấy khô bảo quản, chờ thị trường Trung Quốc ổn định trở lại sẽ xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ sở cũng thăm dò, tìm kiếm và mở rộng một số thị trường khác như Lào, Hàn Quốc... để tìm kiếm thêm đối tác. Nếu việc liên kết, tìm kiếm thị trường thuận lợi, ngoài mang lại lợi ích cho chúng tôi mà còn giúp ngư dân yên tâm khai thác hải sản”,  ông Hồ Văn Lực cho hay.

*Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Trong khi nhiều đồng nghiệp ở các công ty khác mất việc do thu hẹp sản xuất vì dịch bệnh thì anh Trương Văn Phương ở Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Hà Thành, huyện Hưng Nguyên vẫn được đảm bảo mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, công nhân nơi công ty anh làm việc vẫn phải tăng ca đến 7-8h đêm để kịp bàn giao công trình đúng tiến độ.

Dịch COVID-19 đã khiến Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Hà Thành bị đối tác tạm hoãn triển khai 5 đơn hàng lớn đã thỏa thuận cuối năm ngoái. Kế hoạch sản xuất bị “vỡ” trong khi vẫn phải đảm bảo thu nhập cho gần 60 lao động buộc chủ doanh nghiệp này không “kén chọn” đơn hàng như trước đây.

“Trong thời điểm này chúng tôi không tính đến lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để duy trì công việc và thu nhập cho người lao động. Với quy mô và uy tín của công ty, trước đây chúng tôi chỉ nhận những đơn hàng lớn thì nay sẵn sàng nhận tất cả đơn hàng nhỏ. Chỉ khi đảm bảo đời sống thì người lao động mới có thể gắn bó với công ty và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, chị Nguyễn Thị Hoa – Phó Giám đốc công ty cho biết.

Bên cạnh đảm bảo thu nhập, các lao động của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Hà Thành còn được hỗ trợ 50% bảo hiểm xã hội và 100% bảo hiểm tai nạn. Hiện công ty đang sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ra để bù lỗ, trả lương cho công nhân lao động, ngoài ra còn hỗ trợ 50% chi phí bảo hiểm xã hội, hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm tai nạn lao động 24/24h cho công nhân để người lao động yên tâm sản xuất, lo cho gia đình.

Thực hiện phòng dịch, công ty trích kinh phí trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch diệt khuẩn cho người lao động. Thay vì tổ chức cho người lao động ăn chung tại căn-tin như trước đây, công ty mua khay nhôm về để phân chia thức ăn theo khẩu phần, hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc gần.

Chuyên phân phối thi công cổng tự động, dịch COVID-19 đã khiến cho Công ty cổ phần Thương mại và Giải pháp công nghệ Việt Anh giảm 50% đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Gặp khó khăn do nhiều yếu tố nhưng công ty vẫn nỗ lực để duy trì hoạt động bình thường, sẵn sàng đối diện với thách thức mới. Thay vì tìm kiếm các đơn hàng, dịp này công ty chuyển sang hình thức chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng sản phẩm để bù chi phí hoạt động. Quan điểm của công ty đảm bảo lương tối thiểu, nhất là các quyền lợi của người lao động phải thực hiện đầy đủ.

Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Giải pháp công nghệ Việt Anh cho biết, công ty vẫn gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và đơn hàng không xuất được. Tuy nhiên, xác định rõ trách nhiệm nên công ty vẫn cố gắng không tinh giản lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đầy đủ và động viên người lao động cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với sản lượng 40.000 tấn/năm. Do bị tác động của dịch COVID-19 nên tình hình sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn nguyên liệu mua tăng lên; trong khi đó các trang trại gà thịt đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng không tiêu thụ được, khiến việc bán hàng của công ty bị chậm lại.

Hiện nay, công ty vẫn duy trì việc làm cho hơn 200 lao động. Cái khó của công ty hiện nay là thiếu vắng sự có mặt của người đứng đầu doanh nghiệp. Các chuyên gia quản lý, điều hành của Công ty đều là người nước ngoài, do công ty 100% vốn của Trung Quốc. Phía doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp để họ nhập cảnh và điều hành doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, chị Nguyễn Thu Vân - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star đề nghị.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, mỗi một doanh nghiệp lại có những chiến lược riêng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong thời điểm này, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong hỗ trợ vốn, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần sự đồng hành, đoàn kết và sẻ chia giữa hai bên doanh nghiệp và người lao động.

Dự báo thị trường lao động trong năm 2020 đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sẽ có sự dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa, thu hẹp sản xuất. Bởi vậy, về phía các doanh nghiệp cần chủ động lên phương án cả về nhân sự  và nguyên liệu để điều tiết hoạt động ổn định kinh doanh trong thời gian tới.

Tỉnh Nghệ An cũng cần giảm bớt các đoàn thanh kiểm tra trong thời điểm này để doanh nghiệp có thời gian tìm giải pháp sản xuất kinh doanh. Cục Thuế cần có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ và kéo lùi thời gian trả nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu tỉnh Nghệ An đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục