Dịch COVID-19: Kinh nghiệm phòng chống dịch tại các cơ sở y tế ở Đà Nẵng

13:01' - 15/12/2020
BNEWS Sau hơn 3 tháng khống chế thành công dịch COVID-19, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu khôi phục kinh tế, xã hội.

Không chủ quan trước dịch bệnh, các cơ sở y tế tại thành phố Đà Nẵng vẫn thường xuyên duy trì các biện pháp sàng lọc, phân luồng, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát trở lại.

Từ bài học của đợt dịch COVID-19 vừa qua, Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, đặc biệt là nơi tập trung đông người.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng cho hay, Đà Nẵng luôn chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với các kịch bản, diễn biến của dịch bệnh; sẵn sàng kế hoạch xét nghiệm diện rộng; sẵn sàng các nguồn lực để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong tình huống dịch bệnh quay trở lại.

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, nếu phát hiện ca cộng đồng, thành phố sẽ ngay lập tức triển khai cách ly, xét nghiệm diện rộng để đánh giá mức độ lây lan. Đây có thể là cách làm giúp công tác phòng, chống dịch bệnh thành công trong đợt dịch vừa qua.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, sau thời gian hoạt động trở lại, bệnh viện thường xuyên áp dụng các bước phòng dịch ở mức cao nhất. Cụ thể, tất cả người dân khi vào khám, chữa bệnh đều phải thực hiện theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế (khẩu trang; khử khuẩn, khoảng cách; không tụ tập; khai báo y tế).

Đặc biệt, bệnh viện luôn có người túc trực để đo thân nhiệt cho người nhà và bệnh nhân khi ra vào bệnh viện. Tại các khoa cấp cứu, khám bệnh, bệnh viện đều thực hiện phân luồng, sàng lọc ngay từ đầu.

Tất cả bệnh nhân khi khám và điều trị nội trú tại bệnh viện, nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở hay các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19, đều được bệnh viện đưa vào khu khám sàng lọc phân luồng.

Cùng với đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã cố gắng giảm tải bệnh nhân so với thời gian xảy ra dịch; áp dụng mô hình “chăm sóc toàn diện” cho bệnh nhân, không tiếp nhận người nhà vào chăm sóc để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở.

Trong suốt quá trình điều trị nội trú, bệnh viện sẽ cung cấp số điện thoại các khoa, phòng, kết nối với người nhà để cập nhật tình trạng sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất. Nhờ đó, bệnh nhân đều yên tâm điều trị khi không có người nhà bên cạnh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, thay vì người nhà chăm sóc bệnh nhân như trước đây, nhân viên y tế sẽ đảm nhận phần công việc này trong thời gian điều trị nội trú và bệnh nhân sẽ không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Với mục tiêu giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hầu như các bệnh viện tuyến quận, huyện đều là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng.

Hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng chỉ tập trung giải quyết những ca bệnh nặng mà ở những bệnh viện tuyến dưới không thể giải quyết. Điều này giúp giảm bớt áp lực cho bệnh viện trung tâm, hạn chế nguy cơ vỡ trận khi thành phố có dịch bùng phát. Bệnh nhân được điều trị tại địa phương, giảm bớt chi phí điều trị vì không cần tới bệnh viện trung tâm.

Tương tự Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vẫn thường xuyên duy trì biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19. 

Bác sĩ Lê Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho hay, để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, hàng ngày Tổ công tác này đều thực hiện kiểm tra để nhắc nhở và chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn phòng dịch tại các khu nội trú, điều trị bệnh nhân. Ở khu khám bệnh của bệnh viện, người đến khám đều phải thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang.

Ngoài ra, bệnh viện cũng hạn chế người nhà đến thăm, mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người nhà chăm sóc và bắt buộc phải đeo vòng tay để bệnh viện dễ dàng kiểm soát. Trong trường hợp, bệnh nhân đến khám có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch COVID-19, bệnh viện sẽ nhanh chóng chuyển sang phòng cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Đối với nhân viên y tế, khi thăm khám bệnh nhân đều phải trang bị đầy đủ bảo hộ theo quy định Bộ Y tế về phòng dịch.

Theo Bác sĩ Lê Thị Hoàng Vân, ngoài việc phòng chống dịch, công tác truyền thông cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện cũng luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên, nhằm nâng cao tinh thần phòng, chống dịch COVID-19 ở mọi nơi, mọi lúc.

Thực hiện tốt quy trình kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, hiện nay, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) vẫn  thường xuyên thực hiện các quy định của Bộ Y tế về phòng chống, kiểm soát dịch tại bệnh viện.

Bác sĩ Trương Xuân Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cho biết, Bệnh viện 199 luôn tuân thủ các quy định của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, bệnh viện kiểm soát chặt chẽ người bệnh khi vào thăm khám, chữa trị; thực hiện phân luồng những bệnh nhân có triệu chứng liên quan đến đường hô hấp.

Tại khu điều trị nội trú, bệnh viện nghiêm chỉnh thực hiện giãn cách giữa các giường bệnh, hạn chế tối đa người nhà đến thăm bệnh.

Trong các khu điều trị bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 đều phải có lối đi riêng, thực hiện phân luồng; nhân viên y tế thăm bệnh bệnh nhân qua điện thoại thông minh, sử dụng buồng ngăn cách khi làm thủ thuật cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng luôn đảm bảo an toàn giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và giữa bệnh nhân với nhau.

“Bệnh viện thường xuyên tập huấn đối với nhân viên y tế, lập các đội kiểm tra, rà soát những công đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Nếu có thiếu sót, sai quy trình, bệnh viện sẽ kịp thời khắc phục, hoàn thiện để việc phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cao.

Đồng thời, bệnh viện cũng thường xuyên chủ động, cập nhật quy định phòng dịch của Bộ Y tế và nêu cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh”, bác sĩ Trương Xuân Hùng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục