Dịch COVID-19: Vốn "đến tay" doanh nghiệp

14:38' - 01/04/2020
BNEWS Phó Thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vavới các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, toàn ngành ngân hàng cần chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới; đồng thời thực hiện giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa đối với những đối tượng, loại hình doanh nghiệp khó khăn, cần sự chia sẻ để duy trì hoạt động sản xuất.

Thống kê chưa đầy đủ, tính riêng các ngân hàng có quy mô lớn đã có khoảng 100.000 tỷ đồng được giảm lãi suất "đến tay" các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo dự báo, nền kinh tế năm nay có nhiều khó khăn và các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn nên Phó Thống đốc cho rằng các ngân hàng thương mại cần thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động đầu vào hợp lý, cùng đồng thuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cần xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận, chính sách tiền lương, thu nhập cho phù hợp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú cho biết, đến nay BIDV có khoảng 155.000 tỷ đồng dư nợ ảnh hưởng và ngân hàng đã tiến hành cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khoảng 3.300 khách hàng, miễn giảm lãi cho các dư nợ cũ từ 0,5 - 1,2%.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho biết, VietinBank nhận được đề nghị hỗ trợ từ khoảng 115 khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, với quy mô dư nợ lên đến gần 16.000 tỷ đồng. “Giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã giải ngân cho gần 550 khách hàng với quy mô dư nợ gần 11.000 tỷ đồng”, ông Vinh cho biết.

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được tổ chức ngày 30/3, tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được ngân hàng này giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.

Các chuyên gia kinh tế nhận định các chính sách tiền tệ mà ngành ngân hàng đang triển khai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp là nỗ lực lớn của các ngân hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những chính sách vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là rất nhanh và kịp thời nhưng vẫn chưa đủ. Việc hạ lãi suất chưa đủ để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường, trong khi đó, vấn đề của nền kinh tế không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.

“Tôi cho rằng các biện pháp về chính sách tiền tệ chỉ là biện pháp hỗ trợ, cần sự trợ lực của chính sách tài khóa, thông qua các gói hỗ trợ nhanh, mạnh nhằm giúp doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 có thanh khoản để trang trải chi phí, trả tiền cho đối tác, trả lương, trả lãi vay…”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục