Dịch vụ công trực tuyến tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

16:09' - 07/02/2017
BNEWS từ tháng 5/2015, đến 1/4/2016, hầu hết các doanh nghiệp đã đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện đăng ký hải quan điện tử, bỏ hoàn toàn đăng ký bằng bản giấy.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiểm tra việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Cục Bảo vệ Thực vật. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Ngày 7/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại Cục Chăn nuôi và Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ.

Qua kiểm tra hai đơn vị trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao kết quả đạt được tại các đơn vị. Các đơn vị bước đầu thành công theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ.

Nhiệm vụ cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, thúc đẩy nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp quản lý nhà nước có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, “Hệ thống công nghệ thông tin có tốt là mấy đi chăng nữa nhưng cũng chỉ là công cụ để chúng ta cải cách thủ tục hành chính, cái gốc vẫn là quy trình cải cách hành chính. Quan trọng nhất là rà soát tất cả thủ tục hành chính, trong rà soát phải điều chỉnh quy trình xử lý các thủ tục”.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thời gian tới tiếp động chủ động mở rộng đưa các thủ tục mới vào triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mục đích cuối cùng là không còn thủ tục nào trong tình dạng người dân, doanh nghiệp phải đến cửa đơn vị chờ.

Kiểm tra tại Cục Chăn nuôi cho thấy, Cục Chăn nuôi đang giải quyết 31 thủ tục hành chính nhưng không phải thủ tục nào cũng phát sinh hồ sơ. Trong 31 thủ tục hành chính có 11 thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, có 5 thủ tục hành chính có phát sinh trên 10 hồ sơ.

Cục Chăn nuôi đã lựa chọn 3 thủ tục hành chính để thực hiện cơ chế một cửa quốc gia; 3 thủ tục hành chính để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

Bắt tay vào triển khai ngay từ tháng 5/2015, đến 1/4/2016, hầu hết các doanh nghiệp đã đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện đăng ký hải quan điện tử, bỏ hoàn toàn đăng ký bằng bản giấy.

Tính đến 16h ngày 6/2/2017, Cục Chăn nuôi đã tiếp nhận gần 37.000 hồ sơ; trong đó gần 36.300 hồ sơ đã được phê duyệt giấy đăng ký (chiếm 98%).

Theo bà Quách Tố Nga, Phó Chánh văn phòng Cục Chăn nuôi, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không mất thời gian gửi, nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc phải cử cán bộ trực tiếp đến các cơ quan kiểm tra đã giảm được 50% thời gian. Chỉ tính riêng chi phí chuyển phát nhanh hồ sơ đã giúp doanh nghiệp tiếp kiệm khoảng 700 triệu đồng.

Từ những thành công trên, Cục Chăn nuôi đã có công văn về việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ điện tử đối với nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước kể từ 15/2/2017.

Kiểm tra việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Cục Chăn nuôi. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Ngay sau khi được lựa chọn là đơn vị thí điểm, Cục Bảo vệ thực vật cũng chọn 5 thủ tục hành chính về sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để triển khai.

Đến ngày 6/2, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận 109 hồ sơ; trong đó, đã giải quyết được 74 hồ sơ, 20 hồ sơ không đạt, đang giải quyết 15 hồ sơ. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân về thời gian, chi phí…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch chậm chưa đáp ứng được yêu cầu của tiến độ. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi lưu trữ hồ sơ giấy sang lưu trữ điện tử chưa có hướng dẫn cụ thể nên Cục Bảo vệ thực vật vẫn thực hiện lưu trữ hồ sơ giấy.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đây là việc làm mới, còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai, cần có sự phối hợp từ các tổ chức, cá nhận, cùng với cơ quan quản lý để từng bước sớm hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả.

Năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoàn tiện các chức năng phần mềm đối với 5 thủ tục trên; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung thủ tục mới đưa vào triển khai thực hiện; triển khai mới thủ tục cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục