Điểm danh loạt ngân hàng nhiều năm liền không chia cổ tức

07:30' - 20/04/2022
BNEWS Câu chuyện phân phối lợi nhuận và chia cổ tức "nóng" trở lại khi mùa đại hội cổ đông đang đi vào giai đoạn nhộn nhịp nhất.

Từ nay đến cuối tháng 4, hàng loạt các ngân hàng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 để thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là kế hoạch phân phối lợi nhuận.

Tài liệu dự thảo đại hội cho thấy nhiều ngân hàng năm nay tiếp tục "nói không" với chia cổ tức.

Cụ thể như tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB), nếu các tờ trình được đại hội thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ 4 liên tiếp không chia cổ tức.

 

Theo đó, Techcombank dự kiến trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn, phục vụ cho chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh và cải thiện các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính.

Năm 2021, Techcombank ghi nhận lợi nhuận khủng vượt mốc 1 tỷ USD, tương đương 23.238 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn ngành. Sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năm 2021 còn lại gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là gần 40.137 tỷ đồng. 

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cổ đông của ngân hàng cũng đã 6 năm chưa được chia cổ tức. Sang đến năm nay, Sacombank dự kiến tiếp tục đề xuất giữ lại lợi nhuận lũy kế 8.982 tỷ đồng.

Tài liệu dự thảo đại hội của Sacombank cho biết do hiện tại ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông hiện đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank; mã chứng khoán: TPB) cũng có kế hoạch không chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại để phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng 38%, thu về 6.038 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn hơn 4.099 tỷ đồng.

Liên tục nhiều năm liền không chia cổ tức, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; mã chứng khoán: EIB) cũng nằm trong danh sách này. Lần gần nhất Eximbank chia cổ tức là hồi năm 2012 với tỷ lệ 4%. Nguyên do chính là vì Eximbank phải xử lý trái phiếu VAMC và liên tục không tổ chức được đại hội cổ đông.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 lần thứ 2 diễn ra ngày 15/2 vừa qua, Eximbank đề xuất trả cổ tức nhưng không được thông qua.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank; mã chứng khoán: SGB) cũng chưa cho biết cụ thể về kế hoạch chia cổ tức trong tờ trình đại hội cổ đông năm 2022. 

Ở chiều ngược lại, không ít ngân hàng đã công bố tỷ lệ chia cổ tức "khủng".

Có thể kể tới Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) với kế hoạch chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia là 25%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến duy trì mức cổ tức từ 20-25% cho cổ đông, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) trình cổ đông chia cổ tức tỷ lệ 30%...

Không khó để nhận thấy nhiều ngân hàng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Điều này là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước khi ngay từ đầu năm đã Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ của các ngân hàng trong năm nay là phải giảm chi phí hoạt động, tiết giảm lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền để dành nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, thông qua đó có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt hơn./.

>>VPBank lên kế hoạch tăng vốn khủng, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 30%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục