Điểm nổi bật trong xu hướng phát triển kinh tế thế giới năm 2018 (Phần 1)

05:30' - 07/01/2018
BNEWS Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) công bố báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vẫn nằm trong "vùng an toàn".
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng contenơ ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), trong quý III/2017, tình hình tại các nền kinh tế phát triển cũng như các nước mới nổi vẫn tốt như trong nửa đầu năm.

Năm 2017 ghi nhận sự ổn định của tăng trưởng tiêu dùng cá nhân, kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ, vững bền của hoạt động đầu tư, nhờ đó, thương mại toàn cầu từ đầu năm cho tới nay được tăng cường đáng kể. Sự kết hợp này có thể kéo dài sang năm sau bởi các nền kinh tế mới nổi vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, DIW chỉ ra những nguy cơ có khả năng kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới như tỷ lệ thất nghiệp cao, đầu tư chưa thực sự năng động, và tốc độ tăng thu nhập và giá cả vẫn còn khiêm tốn tại một số quốc gia châu Âu.

Ở Trung Quốc, quy mô mở rộng của các ngành công nghiệp sản xuất đang yếu đi do chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Mặt khác, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và EU có thể làm giảm nhu cầu thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu không thể tăng tốc hơn nữa. Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm dần nguồn cung tiếp và tăng lãi suất cơ bản từng bước một. Đồng tiền của các nước mới nổi cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng công bố kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu mỗi tháng. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, ECB có thể tiến hành tăng lãi suất, dù khá khiêm tốn, và tỷ lệ lạm phát sẽ dần nhích lên.

Bên cạnh đó, theo DIW, các rủi ro hàng đầu đối với kinh tế thế giới phát sinh trước hết bởi bất ổn chính trị tại châu Âu và Mỹ. Năm 2018 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng, ví dụ như ở Italy.

Việc các đảng phái với chủ trương hoài nghi EU đang nổi lên hay rủi ro liên quan đến nợ xấu của các ngân hàng châu Âu, đàm phán Brexit sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư ở khu vực.

Thêm vào đó, những hàng rào thương mại đến từ Mỹ có thể làm chậm lại hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu. Nhìn chung, nền kinh tế thế giới trong năm 2018 và 2019 sẽ tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm.

Mỹ: Duy trì tốc độ

Kinh tế Mỹ năm 2017 có thể đạt tăng trưởng ở mức 2,3%. Theo DIW, quá trình hồi phục của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ được duy trì với tốc độ tăng trưởng năm 2018 và 2019 được dự đoán lần lượt là 2,5% và 2,4%.

Tiêu dùng cá nhân cũng như đầu tư của doanh nghiệp đều đã chứng kiến những kết quả tích cực, và xu hướng này được cho là sẽ được giữ vững trong thời gian tới. Tiêu dùng của hộ gia đình sẽ tăng lên đáng kể, kể cả khi trong cùng thời điểm đó tỷ lệ tiết kiệm không giảm xuống.

Sự cải thiện liên tục của thị trường lao động là động lực lớn cho lĩnh vực này. Trong quý III/2017, khoảng 170.000 việc làm mới được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 11 chỉ ở mức 4,1%.

Bởi tình hình kinh tế tiếp tục cải thiện, Fed có thể dần thắt chặt chính sách tiền tệ. Bởi lý do chính là lạm phát thấp, lãi suất sẽ đi theo hướng ngược lại: tăng một cách từ từ.

Trung Quốc: Áp lực từ công suất thừa

Các chuyên gia của DIW dự đoán GDP của Trung Quốc năm 2017 tăng 6,8%, còn trong năm 2018 và 2019 sẽ tăng khoảng 6,5%. Nhu cầu của các hộ gia đình và cá nhân có thể sẽ tăng theo xu hướng đi lên của thu nhập, song song với chi tiêu công.

Tuy nhiên, do áp lực từ chi phí sản xuất và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất vẫn còn tồn tại, hoạt động đầu tư vào máy móc vẫn yếu. Hậu quả là xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng, làm xấu đi cán cân thương mại trong thời gian gần đây và làm suy yếu tốc độ mở rộng của nền kinh tế.

DIW chỉ ra rằng những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ hưởng lợi trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang mô hình phát triển dựa trên tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục