Điện Biên: Báo động thực trạng "khai tử" rừng tái sinh

10:25' - 21/03/2021
BNEWS Trên con đường nối bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) đi bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) của huyện Nậm Pồ, thật không khó để chúng tôi tiếp cận, chứng kiến cảnh rừng tái sinh, sau tái sinh bị chặt hạ, tàn phá.

Nậm Pồ là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, có hơn 63.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 42%. Những năm qua, do việc quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn buông lỏng; công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn còn tồn tại nhiều bất cập; đặc biệt do nhu cầu về diện tích đất làm nương rẫy với phương thức canh tác luân canh lạc hậu, nhu cầu về nguồn chất đốt của người dân nên nhiều diện tích rừng tái sinh có độ tuổi nhiều năm trên địa bàn đã bị người dân tàn phá đến mức báo động, dẫn đến nhiều diện tích rừng tái sinh bị “trọc hóa”.

Rừng tái sinh bị chặt phá, đốt để làm nương, lấy gỗ

Trên con đường nối bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) đi bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) của huyện Nậm Pồ, thật không khó để chúng tôi tiếp cận, chứng kiến cảnh rừng tái sinh, sau tái sinh bị chặt hạ, tàn phá.

Điểm đầu tiên chúng tôi thâm nhập là thảm cảnh gần 10.000 m2 diện tích rừng tái sinh có độ tuổi từ 7 đến 8 năm trên khu vực đồi dốc, bị người dân dùng cưa xăng, dao, dựa chặt hạ, cưa xẻ.

Tại hiện trường, la liệt thân gỗ, cành cây, những khúc cây chất thành đống với các kích thước khác nhau nằm tại vị trí đỉnh đồi, triền đồi, vùng “yên ngựa”, bên đường mòn và dưới mép nước của khe suối cạn. Cả một vùng rộng lớn trước đây là rừng tái sinh, sau tái sinh giờ chỉ còn là nền đất phủ đầy tro bụi đen ngòm và mùi khói.

Cũng tại đây, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những gốc cây có kích thước lớn bị cưa hạ, vết cưa sắc lẹm có chu vi vành thân hơn 100cm. Điều đặc biệt hơn, vô số những thân cây to đã được người dân phân loại, chọn lựa, tập kết và sơ chế ra gỗ thành phẩm ngay tại hiện trường.

Những cây gỗ to hơn, chất lượng hơn thì được cẩn thận đo đạc rồi cưa xẻ, đẽo gọt thành từng tấm, thanh dài, từng khúc với kích thước khác nhau, vuông thành sắc cạnh hoặc tròn trịa. Nhìn những diện tích rừng tái sinh, sau tái sinh xanh tốt, nhiều tầng, tán rừng phát triển liền kề khu vực rừng bị tàn phá tan hoang theo kiểu “tận diệt”, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.

Tại hiện trường, anh Vàng A Giàng, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, cho biết khu vực rừng bị tàn phá, đốt này là diện tích nương của gia đình anh, mua lại của người dân trong bản từ nhiều năm trước. Sau nhiều năm bỏ hoang, năm nay gia đình anh quay lại chặt hạ cây, tận thu gỗ, củi về làm nhà, làm củi đốt và sẽ bán cho người dân có nhu cầu mua gỗ.

Với diện tích rừng tái sinh rộng lớn của quả đồi này, sau khi “làm sạch” cây rừng để làm nương thì mỗi năm gia đình anh trồng được một vụ lúa nương. Nếu thuận lợi, gia đình anh sẽ thu về khoảng 2 tấn thóc.

Ngoài địa điểm này, gia đình anh Vàng A Giàng còn có 4 đám nương khác. Trước thắc mắc của chúng tôi về việc tại sao phải làm nhiều nương như vậy, anh Giàng cho biết để đáp ứng nhu cầu lương thực của gần 10 thành viên trong gia đình.

Nằm bên cạnh con đường từ bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) đi bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua), cách không xa khu rừng tái sinh đã bị tàn phá tan hoang mà chúng tôi đã “xâm nhập” là một cánh rừng tái sinh khác có độ tuổi từ 4 đến 5 năm, cũng bị người dân chặt phá để lấy đất làm nương, lấy gỗ làm nhà và bán cho người dân trong bản.

Tại đây, khoảng 9.000 m2 rừng tái sinh đã bị đốn, chặt, cưa hạ. Bạt ngàn thân, cành cây và thảm thực vật tầng thấp bị chặt hạ vẫn còn nằm la liệt, ngổn ngang ở hiện trường.

Thật khó khăn khi chúng tôi băng qua những thân, cây nằm trên hiện trường để tiếp cận sâu vào khu vực rừng tái sinh bị chặt hạ. Vết tích tại những thân cây to bị cưa, chặt hạ còn rất mới, tỏa mùi ngai ngái càng minh chứng cho vụ việc phá rừng xảy ra chưa lâu.

Một số người dân cho biết, sau khi cưa, chặt những cây to trong rừng, người chặt hạ cây rời khỏi hiện trường, chờ đến khi cành và thảm thực vật héo úa, khô giòn, mới chọn lựa những cây to, có giá trị để mang về bản làm nhà, làm chuồng trại chăn nuôi. Những cành cây nhỏ còn lại sẽ được đốt tại hiện trường để lấy đất làm nương. Những cành, cây cháy sẽ tạo nên một lớp tro dày, tạo độ xốp và cung cấp chất dinh dưỡng cho nương lúa.

Tiếp tục hành trình di chuyển theo hướng bản Nậm Ngà 2 (xã Nậm Chua), khi qua ngầm tràn thuộc km1+823 chúng tôi đã nghe rõ tiếng máy cưa, xẻ gỗ hoạt động rất huyên náo, vang vọng khắp núi, đồi. Nhằm hướng phát ra tiếng cưa máy, chúng tôi lội suối cạn, luồn dưới cây bụi, tre gai để tiếp cận hiện trường. Trước mắt chúng tôi là cảnh người dân đang tập kết, cưa xẻ gỗ trên diện tích khoảng gần 7.000 m2 rừng tái sinh đã bị chặt hạ, đốt từ trước đó nhiều ngày.

Bên triền núi phía xa có 6 người đang lựa chọn, khuân vác, tập kết những cây gỗ to thành đống trước lúc đo kích thước, cắt thành những khúc gỗ để tiện vận chuyển ra khỏi hiện trường, mang về bản làng. Dưới nền tro tàn đen ngòm ngổn ngang vô số thân, cành cây, nhiều người đàn ông, phụ nữ đang lầm lũi, cần mẫn khuân vác gỗ, cưa xẻ.

Tiếng thân gỗ va vào nhau, tiếng máy cưa xăng hoạt động hết công suất làm vang động cả núi rừng. Rời khỏi hiện trường, đi tiếp lên bản Nậm Ngà 2, chúng tôi bắt gặp nhiều đống thân cây đã cắt khúc được xếp đặt ngay ngắn bên ven đường.

Rừng bị tàn phá, trách nhiệm thuộc về ai?

Qua tìm hiểu được biết, huyện Nậm Pồ là địa phương thực hiện thí điểm của tỉnh Điện Biên trong việc khoanh nuôi, tái sinh rừng. Từ năm 2018, địa phương này đã khoanh nuôi, tái sinh được gần 4.800 ha, còn thiếu hơn 200 ha là đủ diện tích theo chỉ tiêu tỉnh Điện Biên giao. 

Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Không riêng gì huyện Nậm Pồ mà tại nhiều địa phương khác của tỉnh Điện Biên, cứ bắt đầu từ tháng 11 năm trước cho đến hết tháng 4 năm sau là cao điểm làm nương rẫy của bà con.

Đặc biệt, đối với các huyện vùng sâu, vùng xa như Nậm Pồ, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống dựa vào nương rẫy, phong tục tập quán canh tác của người dân là luân canh. Vì vậy, nhiều diện tích nương người dân làm 1-2 năm rồi bỏ hoang, sau 4-5 năm lại quay lại làm nương. Những diện tích nương bỏ hoang sau thời gian nhiều năm trở thành rừng tái sinh.

Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết thêm, những diện tích rừng tái sinh, sau tái sinh đã bị người dân trên địa bàn 2 xã Nà Hỳ, Nậm Chua triệt hạ, nằm trên con đường nối bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) đi bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) về trung tâm huyện Nậm Pồ, thuộc khu vực hơn 100ha, ngoài bản đồ quy hoạch 3 loại rừng.

Từ năm 2016, UBND huyện Nậm Pồ đã có nhiều buổi họp tuyên truyền vận động người dân đưa diện tích này vào quy hoạch 3 loại rừng và xúc tiến tái sinh. Hạt Kiểm lâm cũng tham mưu cho UBND huyện Nậm Pồ trình UBND tỉnh Điện Biên đưa vào quy hoạch.

Tuy nhiên, việc quy hoạch này chưa thành hiện thực do người dân không đồng tình ủng hộ thì nhiều diện tích rừng tái sinh đã bị “khai tử”. “Huyện cũng đã có nhiều buổi họp tuyên truyền, vận động nhân dân.

Đặc biệt, hằng năm Hạt Kiểm lâm và chính quyền các xã đều tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các diện tích đó vào quy hoạch 3 loại rừng, nhưng do bà con nhân dân thiếu đất canh tác nên không thực hiện được. Theo chế tài xử phạt vi phạm hành chính quy định, chúng tôi không có cơ sở pháp lý để xử lý”, ông Nguyễn Đình Lương, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ nói.

Qua hàng giờ đồng hồ điền dã tại hiện trường, phóng viên ghi nhận những điểm xảy ra tình trạng phá rừng tái sinh, sau tái sinh mà phóng viên đã “đặt chân” trước đó, thuộc diện tích hàng chục ha rừng tái sinh ở vị trí đầu nguồn, có chức năng giữ, cung cấp nguồn nước cho Nhà máy nước công suất hơn 1.000m3/ngày đêm của huyện Nậm Pồ sắp đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: "Nếu toàn bộ diện tích 100 ha ở thượng nguồn Nhà máy nước được đưa vào quy hoạch để xúc tiến tái sinh thì thuận tiện cho việc cung cấp nguồn nước. Để người dân canh tác, luân canh trên diện tích đó thì cũng bất cập." 

Bất cập trong quy hoạch rừng ở Nậm Pồ

Thực tế những năm qua, việc triển khai quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 1208 của UBND tỉnh Điện Biên trên địa bàn huyện Nậm Pồ là bài toán chưa có lời giải vì còn nhiều bất cập, khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phá rừng, xâm hại rừng xảy ra trên địa bàn này.

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2019, 2020, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xảy ra gần 60 vụ phá rừng, xâm hại rừng... Nhiều vụ việc liên quan phá rừng, xâm hại rừng đã bị khởi tố, nhiều diện tích rừng bị thiệt hại.

Nói về những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương, ông Nguyễn Đình Lương, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Nậm Pồ là huyện nghèo, mới chia tách (từ năm 2013- PV), diện tích rừng manh mún, địa bàn phức tạp, đặc biệt là rất nhiều người dân sinh sống trong khu vực rừng với tập quán du canh nên việc người dân phát vén, xâm hại rừng là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, toàn huyện có 15 xã, nhiều xã biên giới mà lực lượng kiểm lâm chỉ có 10 người nên việc tuần tra, phát hiện, xử lý những trường hợp phá rừng, xâm hại rừng gặp rất nhiều khó khăn, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại.

Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, ông Bùi Văn Luyện cho biết: Việc quy hoạch 3 loại rừng đã được tỉnh Điện Biên phê duyệt, công bố năm 2018. Nhưng qua quá trình tổ chức, thực hiện, còn có những vướng mắc, bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng. Cụ thể như đất ở, đất canh tác, diện tích nương rẫy của bà con vẫn còn lẫn vào quy hoạch 3 loại rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rất khó khăn.

Bất cập trong công tác quy hoạch 3 loại rừng; nhu cầu về đất canh tác ngày càng tăng; nhu cầu về gỗ để làm nhà ở, dựng chuồng trại chăn nuôi, nguồn chất đốt đã dẫn đến tình trạng rừng tái sinh ở Nậm Pồ bị xâm hại, tàn phá.

Nếu chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm, cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ và tỉnh Điện Biên không có giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng thì nhiều cánh rừng tái sinh ở huyện biên giới Nậm Pồ bị “khai tử”, kéo theo những hệ lụy khôn lường là điều khó tránh khỏi./.

>>Lâm Đồng phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn tại thành phố Đà Lạt

         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục