Điện lực Gia Lai đảm bảo an toàn hành lang lưới điện

08:49' - 24/09/2019
BNEWS Nhiều tuyến đường dây đi qua các khu vực rừng cây tự nhiên, rừng cao su, rừng sản xuất,… nên việc quản lý hành lang an toàn lưới điện của Công ty Điện lực Gia Lai gặp nhiều khó khăn.
Công nhân Công ty Điện lực Gia Lai phát quang hành lang tuyến. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Công ty Điện lực Gia Lai hiện đang quản lý khoảng 300km đường dây 110kV và 4.500km đường dây trung áp trên toàn tỉnh; trong đó, nhiều tuyến đường dây đi qua các khu vực rừng cây tự nhiên, rừng cao su, rừng sản xuất,… nên việc quản lý hành lang an toàn lưới điện gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến việc lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện. Chính vì vậy, Công ty Điện lực Gia Lai đã tăng cường nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn lưới điện, giảm thiểu tối đa sự cố có thể xảy ra.
Chư Păh là huyện có hơn 750 km đường dây trung áp và hạ áp; trong đó có khoảng trên 50km đường dây trung áp đi qua các khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng cao su,… Theo thống kê của Điện lực Chư Păh, dù đơn vị đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp cây cối gây ảnh hưởng đến việc vận hành lưới điện, song hiện vẫn còn 27 vị trí lưới điện với 1.254 cây có nguy cơ đổ, ngã vào.
Ngoài ra, có 68 ngôi nhà trên địa bàn xây dựng dưới hành lang lưới điện, gây khó khăn cho công tác bảo trì, bảo dưỡng lưới điện, các phương tiện vận tải, cơ giới, công nhân điện lực khó tiếp cận các vị trí công tác.

Công nhân Công ty Điện lực Gia Lai phát quang hành lang tuyến. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Tăng Văn Dũng, Phó Giám đốc Điện lực Chư Păh cho biết, đối với các công trình kiến trúc, khi xây dựng các đường dây, đơn vị đều tính toán để đi qua các khu vực chưa có dân sinh. Tuy nhiên, theo thời gian, người dân đã đến định cư phía dưới đường dây.
Cùng với đó, việc cấp phép xây dựng cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân của chính quyền địa phương còn chồng chéo, chưa hợp lý, dẫn đến việc người dân trồng cây hoặc xây dựng các công trình kiến trúc dưới đường dây lưới điện.
“Nhiệm vụ thường xuyên của Điện lực Chư Păh là kiểm tra định kỳ, đột xuất lưới điện nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ về an toàn hành lang lưới điện để kịp thời xử lý, không để xảy ra các sự cố. Riêng đối với các trường hợp nhà ở xây dựng trong hành lang lưới điện, đơn vị đã thống kê cập nhật lên chương trình để theo dõi 68 vị trí này, đồng thời triển khai kí cam kết, không trồng cây hoặc xây dựng các công trình quá cao, đảm bảo an toàn đối với các hộ dân này”, ông Tăng Văn Dũng cho biết thêm.
Trong khi đó, Đội Quản lý, vận hành lưới điện cao thế Gia Lai hiện đang quản lý, vận hành 14 tuyến đường dây 110kV, 11 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 521 MVA. Với đặc điểm địa hình tại Gia Lai, khá nhiều đoạn đường dây cao áp thuộc đơn vị quản lý đi qua các khu vực rừng đặc dụng, các nông trường cao su, vườn cây lâu năm của người dân… có giá trị kinh tế cao, nên số lượng cây trong và liền kề hành lang an toàn lưới điện cao áp của đơn vị là rất lớn.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng hiện đang trong mùa mưa, gió mạnh ảnh hưởng nhiều đến việc kiểm tra và xử lý hành lang tuyến.
Ông Trịnh Xuân Mạnh, đội phó Đội quản lý, vận hành lưới điện cao thế Gia Lai cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp của đơn vị là do một số cung đoạn đường dây đi qua khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gây khó khăn trong công tác làm thủ tục phối hợp xử lý hành lang.
Ngoài ra, chủ sở hữu cây không đồng ý cho chặt tỉa cây, đề nghị đền bù,… gây khó khăn trong việc xử lý cây cao gần hanh lang tuyến. Thậm chí, một số hộ dân, chủ sở hữu đất cố tình trồng cây có giá trị kinh tế cao trong và gần hành lang tuyến nhằm tạo sức ép ngành điện đền bù với giá cao, khi đơn vị yêu cầu phối hợp chặt, tỉa cây.

Công ty Điện lực Gia Lai hiện đang quản lý khoảng 300km đường dây 110kV và 4.500km đường dây trung áp trên toàn tỉnh. Trong đó, nhiều tuyến đường dây đi qua các khu vực rừng cây tự nhiên, rừng cao su, rừng sản xuất.... Ảnh: Dư Toán – TTXVN

“Để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đơn vị cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đi tuyên truyền, làm cam kết đối với các chủ sở hữu xe cũng như các công ty sở hữu xe để đảm bảo an toàn khi làm việc trong hoặc dưới hành lang. Đặc biệt, đơn vị sẽ tổng rà soát lại các điểm nguy hiểm, chặt tỉa cũng như vận động người dân cho chặt tỉa để cây cối, đảm bảo an toàn trong hành lang lưới điện”, ông Mạnh phân tích.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Gia Lai, trong 8 tháng năm 2019, dù đã tăng cường quản lý song vẫn có hơn 50 vụ mất điện do sự cố hành lang tuyến, chiếm 12% tổng số vụ sự cố điện của đơn vị. Toàn tỉnh hiện có trên 1.500 vị trí với hơn 34.000 cây ngoài hành lang có khả năng ngã, đổ vào đường dây, song việc phát quang hành lang tuyến gặp nhiều khó khăn do vướng công tác đền bù đối với cây ngoài hành lang.
Ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho rằng, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện được thuận lợi, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang của cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Gia Lai, cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và người dân sinh sống trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của một bộ phận người dân về an toàn hành lang tuyến vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tuyến đường dây 110kV đi qua các bản làng dân tộc thiểu số, người dân gây khó khăn hoặc không đồng ý cho đơn vị quản lý, vận hành chặt tỉa cây; tự ý chặt cây gần hành lang gây ra sự cố lưới điện và tai nạn điện; thả diều gần khu vực hành lang tuyến;…

 Công ty Điện lực Gia Lai đã tăng cường nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn lưới điện, giảm thiểu tối đa sự cố có thể xảy ra. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Trước thực trạng đó, Công ty Điện lực Gia Lai đã phối hợp với chính quyền địa phương cũng như các đơn vị truyền thông, tuyên truyền cho bà con nhân dân Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành luật điện lực về an toàn điện”.

Bên cạnh đó, đơn vị đã tăng cường cải tạo lưới điện bằng cách nâng cao chiều cao cột, thay dây trần bằng dây bọc để hạn chế sự cố do vi phạm hành lang tuyến, kiểm tra và thông báo cụ thể những đường dây bị vi phạm hành lang an toàn lưới điện để xử lý triệt để.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đã hoàn thành lưới điện thông minh, có trung tâm điều khiển và đặt hàng trăm thiết bị cảnh báo sự cố. Nhờ đó khi xảy ra sự cố, các thiết bị sẽ báo về trung tâm và các đơn vị của Công ty Điện lực Gia Lai sẽ nhanh chóng xử lý. Riêng về việc thay dây bọc toàn phần thì hiện nay tại thành phố Pleiku, chúng tôi đã thay được khoảng 30%. Dự kiến khoảng 2 năm nữa, đơn vị sẽ phấn đấu sẽ thay hết các trục chính bằng dây bọc toàn phần, hạn chế tối đa sự cố do vi phạm hành lang tuyến”, ông Lê Quang Trường nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục