Diện mạo mới trên bản làng người dân tộc Si La ở biên giới cực Tây ​

09:34' - 25/04/2018
BNEWS Là 1 trong 5 dân tộc được xếp vào nhóm dân tộc có dân số ít hơn 1.000 người trên toàn quốc, tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Si La sinh sống duy nhất ở bản Nậm Sin với gần 50 hộ, 214 nhân khẩu.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với các chính sách, dự án hỗ trợ căn cơ đã giúp cuộc sống đồng bào Si La dần thoát khỏi tình trạng chậm tiến và hòa nhập với cộng đồng các dân tộc khác trên địa bàn.

Văn hóa truyền thống của đồng bào vẫn được gìn giữ, bảo lưu và trao truyền cho thế hệ sau. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN

Sau hành trình vượt hàng chục km bằng xe máy cùng các thành viên Đội vận quần chúng tăng cường cắm xã - Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), chúng tôi đến được bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé), 1 trong 15 bản của xã Chung Chải, cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 40km.

Người Si La ở bản Nậm Sin có nguồn gốc từ hai bản Seo Hay và Sì Thâu Chải (nay là xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), năm 1973 họ đã di cư về đây 131 người.

Khoảng 20 năm trước, người Si La ở Nậm Sin sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, kinh tế mang tính tự cung tự cấp với phương thức canh tác “chọc lỗ, tra hạt” phụ thuộc vào tự nhiên.

Bản làng “đa không” quanh năm bao phủ trong mây mù, đường giao thông cách trở nên mỗi khi có người ốm đau bệnh tật, bà con phải gánh gồng, cõng nhau vượt đường đất hoặc cắt rừng để ra cơ sở khám, chữa bệnh. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dân bản quanh năm do điều kiện sống khó khăn, chưa có các dịch vụ y tế, xã hội...

Cho đến thời điểm năm 2004, người Si La ở bản Nậm Sin có thu nhập bình quân chưa đến 100.000 đồng/người/tháng; 35 hộ dân với hơn 170 khẩu đa phần phải sống trong những căn nhà tạm bằng tre, nứa, lợp lá rừng. Bản Nậm Sin có trường học (được đầu tư theo Chương trình 135, xây dựng năm 2001) với “quy mô” 2 phòng học cấp 4 nhưng đã xuống cấp trầm trọng.

Từ năm 2005, Dự án "Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2005-2010” được triển khai thực hiện với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Bản làng được đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, nhà lớp học.

Người dân được hỗ trợ về khai hoang ruộng nước, đào ao thả cá, mua trâu giống, triển khai các mô hình ươm cá giống, nuôi cá thịt; chương trình chăm sóc sức khỏe; bảo tồn văn hóa…

Một góc bản Nậm Sin. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Cuối năm 2010, bản Si La được thụ hưởng một công trình nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh với hệ thống 4 bể chứa có tổng dung tích 10m3/bể; công trình thủy lợi có năng lực tưới tiêu cho hơn 10ha với hệ thống kênh mương khép kín; có nhà sinh hoạt cộng đồng…

Trong chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, toàn bản Nậm Sin khai hoang được 4,5 ha ruộng nước; 1,2 ha diện tích ao cá; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 70%; lương thực bình quân đầu người đạt trên 360 kg/năm. Nhiều hộ gia đình dựng lại nhà gỗ chắc chắn, mua sắm ti-vi, xe máy…

Từ những thành quả của dự án, bản làng Nậm Sin đã khoác lên mình diện mạo mới với những ngôi nhà gỗ khang trang. Người dân có thay đổi trong tư duy sản xuất, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu; không còn phá rừng, vượt biên trái phép.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế lúa nương và ngô, sắn, nhiều gia đình trong bản đã chuyển đổi kinh tế theo hướng dịch vụ, phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trong bản; các khu chăn nuôi gia cầm cũng được người dân triển khai, cho thu nhập ổn định. Điều kiện sống của bà con đã nâng lên khi được tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội.

Trước đây, tỷ lệ người biết tiếng phổ thông trong bản Nậm Sin rất thấp (khoảng từ 10 đến 15%), nay con em trong bản khi đến tuổi đều được vận động đi học đầy đủ.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải số 2 là nơi ươm mầm cho thế hệ trẻ là con em dân tộc Si La và dân tộc Mông, Hà Nhì sinh sống ở các bản lân cận.

Hiện tại, trường có hơn 20 lớp với hơn 420 học sinh, trong đó có 22 cháu là con em dân tộc Si La đang theo học, được hưởng chính sách hỗ trợ 40% lương cơ bản/tháng/học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải số 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé chia sẻ: Tuy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những năm qua, nhận thức của người dân địa phương về việc học, theo đuổi cái chữ đã thay đổi; hiểu được vai trò, giá trị của “cái chữ” nên các gia đình đều động viên, khuyến khích các cháu đi học đầy đủ.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã tạo sân chơi cho các em; tăng cường các hoạt động ngoại khóa; đồng thời phân nhóm học theo trình độ và tăng thời gian dạy vào buổi chiều các ngày trong tuần.

Trường tiểu học Chung Chải 2 được xây dựng kiên cố, sạch đẹp. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Về mặt kinh tế, những năm qua người dân cơ bản không còn thiếu đói.

Tình trạng di dân ngoài kế hoạch vào địa bàn, phá rừng không xảy ra nhờ lực lượng Biên phòng Đồn Leng Su Sìn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) phối hợp với chính quyền địa phương luôn bám cơ sở; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, vận động người dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, tập huấn những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, phòng chống các dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, điều mà ông Lỳ Hồng Sơn trăn trở là dù có những đổi thay nhất định nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn khi kinh tế của bà con bấp bênh, không ổn định.

So với các dân tộc khác trên địa bàn xã Chung Chải thì người Si La vẫn tụt hậu; văn hóa dân tộc Si La do không được người dân gìn giữ nên đứng trước nguy cơ mai một; hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn xảy ra dẫn đến chất lượng nguồn dân số thấp, thể trạng yếu; tỷ lệ hộ nghèo của bản vẫn ở mức cao...

Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu từ dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng do thiên tai mà không có kinh phí để sửa chữa, xây mới.

Ông Lỳ Hồng Sơn mong muốn các cấp chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu tư sửa chữa lại hệ thống kênh mương nội đồng để dân làm ruộng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Cùng với đó là công tác bảo tồn bản sắc văn hóa cần được các cấp chính quyền và người dân quan tâm thực hiện; trong giáo dục cần có những chính sách đặc thù, ưu tiên đối với con em đồng bào dân tộc Si La.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục