Dịp nghỉ lễ, Hà Nội vẫn diễn ra tình trạng vận tải nhồi nhét, chặt chém hành khách

14:20' - 02/05/2019
BNEWS Qua phản ánh của người dân từ đường dây nóng, tình trạng này tái diễn với mức độ nguy hiểm, nhà xe vì lợi nhuận bất chấp sự an toàn tính mạng của hành khách nhồi nhét gấp hơn 2 lần số ghế quy định.
Bến xe Giáp Bát. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tình trạng vận tải hành khách liên tỉnh nhồi nhét, chặt chém hành khách đã từng có một thời làm mưa làm gió, nhưng sau khi ngành chức năng có nhiều biện pháp chấn chỉnh đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, qua phản ánh của người dân từ đường dây nóng, tình trạng này tái diễn với mức độ nguy hiểm, nhà xe vì lợi nhuận bất chấp sự an toàn tính mạng của hành khách nhồi nhét gấp hơn 2 lần số ghế quy định.

*Cần giám sát hành trình

Ba vụ nhồi nhét hành khách điển hình vừa được lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trong đợt nghỉ lễ vừa qua khiến người dân lo ngại về mức độ vi phạm của tài xế cũng như sự lơi lỏng của các chốt cảnh sát giao thông.

Điển hình nhất là vụ xe khách chạy tuyến Thanh Hóa – Bến xe Nước Ngầm 45 chỗ nhưng chở tới 104 người và chạy sai lộ trình quy định đã vượt qua nhiều chốt cảnh sát giao thông và chỉ bị Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) phát hiện, tạm giữ ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội sau hơn 100 km hành trình vào khoảng 16 giờ 20 phút chiều 1/5. Tài xế là Hàn Kim Thản, sinh năm 1988, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Ngoài lỗi chở quá số người quy định, lực lượng cảnh sát cũng xác định, xe khách trên mặc dù chạy tuyến Thanh Hóa – Bến xe Nước ngầm nhưng lại chạy vượt tuyến lên bến xe Giáp Bát để bắt thêm khách. Cảnh sát giao thông đã lập biên bản với lỗi chở quá số người quy định và lỗi chạy không đúng lịch trình vận tải; ra quyết định tạm giữ phương tiện 7 ngày theo quy định.

Chiều cùng ngày, một xe khách khác chạy tuyến Ý Yên – Bến xe Thanh Ba cũng đã bị xử lý với lỗi tương tự. Chiếc xe 29 chỗ này đã chở đến 73 hành khách trước khi bị lực lượng Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy phát hiện và xử lý. Tài xế điều khiển xe là Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1970, trú tại Ý Yên, Nam Định). Xe khách do Hà điều khiển xuất phát từ bến xe Ý Yên (Nam Định) tới bến xe Thanh Ba (Phú Thọ). Trước cửa trước của xe có dán dòng chữ Nhà xe Hà Trang thuộc Công ty cổ phần Vận tải Hà Trường Kỷ.

Trước đó, qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã phát hiện xe khách chạy tuyến Mỹ Đình – Nghĩa Lộ (Yên Bái) 39 chỗ nhưng nhồi nhét tới 73 người. Lái xe là Đỗ Văn S (trú tại Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã thừa nhận khi xuất bến Mỹ Đình xe chỉ chở 39 khách, song đã tự ý bắt khách dọc đường. Theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với vi phạm của lái xe S và doanh nghiệp vận tải chủ xe sẽ bị phạt tiền hơn 40 triệu đồng.

Việc các chuyến xe nhồi nhét hành khách dễ dàng lọt qua nhiều chốt cảnh sát giao thông và chỉ bị xử lý khi người dân phản ánh qua đường dây nóng đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về vai trò của nhiều trạm cảnh sát giao thông trên suốt tuyến đường lưu thông.

Anh Ngô Thái Bình (Hà Nội) cho rằng, việc cơ quan chức năng không nghiêm, chế tài phạt chưa đủ mạnh là nguyên nhân khiến tình trạng vận tải nhồi nhét hành khách gia tăng vào dịp lễ, tết. “Tất cả các xe đều phải ghi 2 số điện thoại của Cục Cảnh sát giao thông lên xe để người dân có thể phản ánh sai phạm. Thêm vào đó, cần tăng mức xử phạt đối với nhà xe vi phạm và xử nghiêm cảnh sát giao thông nhận tiền của lái xe hoặc nhận tiền hàng tháng của nhà xe”, anh Bình đề nghị.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, tình trạng nhà xe nhồi nhét hành khách dịp lễ, tết không còn là chuyện mới. Bên cạnh việc chủ xe và nhà xe vì lợi nhuận bất chất các quy định của pháp luật, một phần cũng do ý thức của người dân không có thói quen vào bến mua vé, tự ý vẫy xe dọc đường. Đơn vị này kiến nghị cần bắt buộc lắp đặt camera song hành cùng thiết bị giám sát hành trình trên xe khách, để cơ quan quản lý có thể ngăn chặn kịp thời hành vi chở quá số người quy định, dừng đỗ bắt khách dọc đường…

Để ngăn chặn tình trạng trên, thời gian qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập nhiều đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông và vi phạm nhồi nhét khách, thu quá giá của xe khách liên tỉnh. Khi tiếp nhận phản ánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ căn cứ trên dữ liệu giám sát hành trình để định vị xe vi phạm và báo cho lực lượng chức năng của thành phố để xử lý.

*Dịch vụ “xe chung” giá cắt cổ

Vì không muốn bị nhồi nhét trên xe khách, sau dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, nhiều người dân đã chọn dịch vụ đi xe chung để trở về Thủ đô nhưng phải chấp nhận giá “cắt cổ”.

Anh Lê Đình Thành ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) phản ánh, do đặt vé xe khách liên tỉnh không được, anh đã lên trang facebook “Hội đi xe chung Thanh Hóa - Hà Nội” tìm xe và nhận được báo giá từ 350.00 – 400.000 đồng/người và xe chạy vào tầm chiều tối. Một chiếc taxi hãng “36” thì ra giá 1,7 triệu đồng/trọn xe và chỉ dừng có thể trả khách ở khu vực bến xe Nước Ngầm chứ không thể đưa vào nội đô Hà Nội. Sau khi khảo giá, anh đã lựa chọn phương án ngồi ghép xe với giá 400.000 đồng.

“Mặc dù biết giá tiền gấp 4 lần (giá xe khách ngày thường từ Sầm Sơn - Hà Nội là 100 nghìn đồng/người) nhưng đành chấp nhận vì không bị nhồi nhét và có thể đến Hà Nội sớm hơn để giữ sức khỏe cho ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ lễ”, anh Thành cho biết.

Loại xe đi chung, xe đi ghép đang nở rộ và được nhiều người lựa chọn nhưng tiềm ẩn nhiều bất cập và nguy cơ. Dịch vụ này được phép đăng thông tin tìm xe, tìm khách, hoạt động không cố định, thường xuyên nên cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc quản lý. Thực chất đây là một kiểu vận tải hành khách liên tỉnh trá hình nhưng việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn khi quy định còn kẽ hở và chủ xe cố tình lách luật.

Theo đại diện một hãng xe khách chạy tuyến cố định, loại hình “xe đi chung, xe đi ghép” đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động vận tải của các tuyến xe khách cố định. Chỉ cần 1 chiếc xe 4 chỗ và kết nối trên mạng Facebook, các xe cá nhân này đưa đón khách khắp trong nội thành, không mất phí bến bãi, thuế kinh doanh. Giá vé chỉ gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn xe khách tuyến cố định một chút, nên hút hết hành khách.

"Về lâu dài, các xe trên 4 chỗ nên có quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng tiện theo dõi. Với các trường hợp đăng ký xe gia đình nhưng ngày nào cũng chỉ đi tuyến giống nhau, gom khách ở nhiều nơi... thì tổ chức theo dõi, kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, cần cảnh báo hành khách tự ý tìm xe trên mạng xã hội để di chuyển có thể gặp phải tình huống mất mát, tai nạn, thậm chí bị cướp tài sản,… bởi không biết tài xế là người ở đâu, nhân thân ra sao”, một đại diện cơ quan quản lý đưa ra đề xuất để khắc phục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục