Doanh nghiệp Hải Dương vừa sản xuất, vừa lo phòng chống COVID-19

19:06' - 13/03/2021
BNEWS Chịu tác động bởi dịch COVID-19, hơn 1 tháng qua, doanh nghiệp tỉnh Hải Dương gặp không ít khó khăn. Hiện các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất, vừa phải lo phòng dịch.

Nhà máy Bắc Dương – Chi nhánh Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN) tại huyện Cẩm Giàng có 340 lao động; trong đó hơn 50% là người địa phương nên thời điểm hoạt động trở lại sau Tết, nhà máy chỉ sản xuất với khoảng 30-50% số lao động.

Ông Trần Đức Doanh, Giám đốc Nhà máy cho biết, thời gian qua, để đảm bảo sản xuất, doanh nghiệp đã bố trí chỗ ăn nghỉ tại chỗ cho người lao động. Lúc cao điểm có 148 người. Đến nay, Cẩm Giàng đã hết giai đoạn phong tỏa nên hiện chỉ còn 40 người.

Là đơn vị sản xuất dây và cáp điện nên nguyên liệu của nhà máy Bắc Dương hầu hết nhập khẩu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc nhập nguyên vật liệu rất khó khăn. Thiếu nhân lực và nguyên liệu cũng làm sản lượng của nhà máy giảm khoảng 60% so với thời điểm bình thường.

Để kịp thời đáp ứng các đơn hàng, những ngày qua, một chi nhánh khác của Công ty CADISUN cũng thuộc địa bàn Cẩm Giàng đã hỗ trợ vật tư giúp nhà máy Bắc Dương khắc phục tình trạng thiếu vật tư sản xuất.

Tại huyện Tứ Kỳ, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, đến nay đã có 44/45 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với tổng số khoảng 24.900 công nhân. Huyện có khoảng 2.000 công nhân lao động là người Hải Phòng.

Theo quy định của Hải Phòng, người từ Hải Dương sang phải tiến hành cách ly nên những công nhân muốn đi làm đều phải ở lại Tứ Kỳ, tạm thời không quay về Hải Phòng trong giai đoạn này.

Để đảm bảo sản xuất, một số doanh nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn GFT Việt Nam đã bố trí chỗ ở trọ cho gần 1.000 lao động. Hiện vẫn còn khoảng 600 lao động người Hải Phòng vẫn chưa quay lại làm việc.

Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Điển hình như Nhà máy Bắc Dương – CADISUN đã triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng chống dịch, được huyện Cẩm Giàng đánh giá là đơn vị đủ điều kiện để cấp phép hoạt động trở lại vào 26/2.

Cụ thể, nhà máy đã tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh với chỉ số 14,67% là mức nguy cơ lây nhiễm thấp, xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất và phòng chống dịch bệnh, xây dựng phương án ứng phó khi có người lao động bị nhiễm bệnh (F0), ký cam kết với cơ quan chức năng huyện Cẩm Giàng về đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch. Đến nay, nhà máy đã thành lập 18 tổ An toàn COVID-19.

Theo ông Trần Đức Doanh, đến nay, nhà máy đã làm xét nghiệm COVID-19 cho cho người lao động 2 lần. Kết quả 100% mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2. Khi tỉnh Hải Dương tạo điều kiện xét nghiệm cho lái xe vận tải hàng hóa, tất cả lái xe của nhà máy đều được đi xét nghiệm. Điều kiện ăn nghỉ cho người lao động cũng được nhà máy quan tâm; đồng thời thực hiện nghiêm quy định "5K" của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Linh Đoàn, Quản đốc phụ trách phân xưởng đồng cho biết, lúc mới đi làm trở lại, anh em công nhân cũng rất lo vì khi đó dịch bệnh tại Cẩm Giàng vẫn còn phức tạp, một số doanh nghiệp trong huyện có công nhân mắc COVID-19.

Tuy nhiên, sau khi nhà máy thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, đến giờ anh em công nhân không còn lo lắng nữa. Hiện nay, số lao động đi làm trở lại đạt trên 70%, anh em đều khỏe mạnh và yên tâm sản xuất.

Tại huyện Cẩm Giàng, đến ngày 12/3, toàn huyện đã có 118 doanh nghiệp trong tổng số 400 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp hoạt động trở lại, với 10.389 lao động.

Theo ông Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng, tất cả các doanh nghiệp phải đảm bảo: xét nghiệm COVID-19 cho công nhân, người lao động và có kết quả xét nghiệm âm tính, ký cam kết với huyện về việc thực hiện nghiêm những quy định phòng chống dịch.

Qua kiểm tra đột xuất đối với 26 doanh nghiệp, huyện đã phát hiện 1 doanh nghiệp không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng dịch nên đã yêu cầu tạm dừng sản xuất cho đến khi đảm bảo phòng dịch mới được hoạt động trở lại.

Còn tại huyện Thanh Miện, mặc dù địa bàn chỉ mới ghi nhận 1 ca mắc COVID-19, tuy nhiên, huyện đã chủ động hướng dẫn, kiểm tra các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp. Huyện cũng quản lý chặt chẽ đối với 257 người lao động, chuyên gia nước ngoài trên địa bàn.

Theo ông Khổng Quốc Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Miện, đến nay, có 182/182 doanh nghiệp trong huyện đã hoạt động trở lại, các doanh nghiệp đã thành lập tổng số 405 Tổ An toàn COVID-19. Huyện Thanh Miện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các công ty có trên 50 lao động và chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra tại 150 doanh nghiệp sử dụng dưới 50 lao động.

Nhìn chung, doanh nghiệp đều thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Những doanh nghiệp đông lao động đều có phương án cách ly nếu xảy ra tình huống có ca dương tính với COVID-19.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, khi hết cách ly xã hội toàn tỉnh và chuyển Hải Dương sang trạng thái mới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã có công văn yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định và khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; kiểm tra và xử lý đối với các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục