Doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó có đối tác lớn

18:25' - 20/11/2015
BNEWS Do công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý thấp nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam gặp khó khăn trong tìm kiếm và trở thành đối tác của các khách hàng lớn.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2011 - 2015, ngày 20/11, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết một số doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị sản phẩm đa quốc gia bằng việc trở thành vệ tinh cung cấp sản phẩm linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt quy mô, sản lượng khá, chất lượng cao, được công nhận là sản phẩm công nghệ chủ lực của Hà Nội.

Địa phương đã hình thành các khu cụm công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ như khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài, Minh Quang. Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội không chỉ dừng ở đáp ứng thị trường trong nước mà đã chuyển biến mạnh mẽ, tham gia mạnh vào thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ làm các linh kiện, chi tiết, phụ kiện đơn giản, số lượng nhỏ, giá trị gia tăng thấp.

Nguyên nhân là do hệ thống công nghiệp hỗ trợ FDI và hệ thống công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn tách rời chưa kết nối và bổ sung tốt cho nhau.

Bên cạnh đó, do công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý thấp nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam gặp khó khăn trong tìm kiếm và trở thành đối tác của các khách hàng lớn.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần phát triển trên cơ sở hình thành mạng lưới các doanh nghiệp cung cấp vệ tinh kết nối chặt chẽ xung quanh các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp chính yếu.

Gắn kết chặt chẽ với các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Theo đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Thắng, Chính phủ ban hành Nghị định 111 về Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ ban hành ngày 3/11/2015 là rất kịp thời.

Tuy nhiên, trong Nghị định này còn nhiều điểm như: chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ, hưởng lợi về thuế chung chung, quy định chưa rõ ràng, còn thủ tục không cần thiết như ở Điều 11 quy định về Đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi. Theo ông Thắng, quy định tại Điều 11 này dễ dẫn đến cơ chế xin cho, gây phiền phức đối với doanh nghiệp.

Với những kết quả đạt được của Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2011 - 2015, các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020.

Phấn đấu đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chiếm tỷ trọng 30% giá trị công nghiệp, đáp ứng 50% nhu cầu nội địa hóa sản xuất trong nước và chiếm tỷ trọng 30% về xuất khẩu.

Đồng thời, 1.500 doanh nghiệp tham gia có đủ năng lực về công nghệ cũng như quản lý để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp chính và các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia./.

P.A/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục