Doanh nghiệp nhỏ lẻ kỳ vọng mở lại cửa hàng kinh doanh

14:41' - 06/09/2021
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh sau 2 tuần người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, hầu hết đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ kỳ vọng nối lại chuỗi cung ứng sản xuất và mở lại cửa hàng kinh doanh.

Đặc biệt, là một số đơn vị kinh doanh đang đối mặt với thách thức trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh hàng tháng nhưng lại không có thu nhập từ hoạt động kinh doanh do tạm đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Thành Toàn cư ngụ tại quận Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình kinh doanh mặt hàng văn phòng phẩm và in ấn nhưng hoàn toàn đóng cửa trong hai tuần siết chặt cách xã hội. Trong khi đó, hiện nay đang là thời điểm bước vào năm học mới, cũng là thời gian cao điểm của nhóm ngành hàng gia đình kinh doanh.

"Không chỉ hai tuần vừa qua, mà mấy tháng gần đây tại Tp. Hồ Chí Minh thực hiện quy định giãn cách xã hội nên đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cũng bị đứt gẫy nguồn cung, nhất là nhà sản xuất không thể giao hàng kịp thời.

Chính vì vậy, với những kết quả đạt được trong hai tuần vừa qua, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ kỳ vọng nối lại được chuỗi cung ứng khi chính quyền Tp. Hồ Chí Minh kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", anh Thành Toàn cho biết thêm.

Còn theo chị Thanh Thủy, chủ cửa hàng bánh mì tại quận Phú Nhuận (Tp. Hồ Chí Minh), trong giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh triển khai giãn cách xã hội trên toàn thành phố, cửa hàng chủ yếu phục vụ một số sản phẩm bánh mì với hình thức cung cấp sỉ, không bán lẻ và tạm ngưng nhiều sản phẩm bánh khác.

Tuy nhiên, cửa hàng vẫn gặp khó khăn ở khâu đầu vào nhập nguyên liệu nên nếu giãn cách tiếp tục kéo dài thì cũng như những sản phẩm bánh khác, mặt hàng bánh mì cũng không có nguyên liệu sản xuất và cửa hàng phải tạm ngưng hoạt động hoàn toàn.

Khảo sát tại nhiều khu vực chuyên kinh doanh tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, hiện nay duy trì tình trạng vắng vẻ và thưa thớt cửa hàng kinh doanh được hoạt động; trong đó, trừ những đơn vị kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, dược phẩm... được phép hoạt động, còn lại hầu như tất cả ngành hàng như thời trang mau mặc, giày dép, ẩm thực tại chỗ... đều tạm ngưng hoạt động.

Song song đó, có những tuyến đường chính thuộc trung tâm quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng dán đầy thông tin cho thuê mặt bằng hoặc sang nhượng mặt bằng. Hàng loạt đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ rời bỏ thị trường và ngành hàng kinh doanh truyền thống để tìm cơ hội kinh doanh ở những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà thị trường đang thiếu nguồn cung hoặc kinh doanh thương mại điện tử.

Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cũng cho thấy, bất động sản bán lẻ trung tâm thương mại được đánh giá là một trong những phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất trong giai đoạn dịch COVID-19.

Hơn thế nữa, khi diễn biến dịch đang có những diễn biến phức tạp và quy định giãn cách xã hội đang được triển khai diện rộng trên phạm vi toàn quốc, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ từ các nền tảng thương mại điện tử trong và ngoài nước tác động mạnh đến thị trường bán lẻ.

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, tình hình giãn cách xã hội nghiêm trọng kéo dài từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã khiến cho nhiều cửa hàng thi công xong, nhưng chưa được khai trương và rơi vào thế bị động chờ cho đến khi chính quyền địa phương cho phép cửa hàng mua sắm hoạt động lại bình thường.

Điều này, đã làm ảnh hưởng đến thị trường mặt bằng bán lẻ, gồm: kế hoạch bán hàng, hàng hóa tồn kho và đội ngũ nhân viên không được sử dụng nguồn lực.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ, Savills Việt Nam đánh giá, sau thời gian giãn cách xã hội, nhà bán lẻ sẽ mất ít nhất 3 tháng để các khu mua sắm dần phục hồi lượng giao thông mua  sắm.

Đồng thời, mất ít nhất 1 năm để nhà bán lẻ và người tiêu dùng lấy lại niềm tin và cả thị trường hoạt động lại cân bằng ổn định, phục hồi trạng thái và mức doanh thu như năm 2019.

Ngoài ra, vượt qua giai đoạn khó khăn, dự kiến nhiều thương hiệu đã tái định vị, xác định chiến lược phát triển thận trọng hơn, lựa chọn địa điểm kỹ càng và quản lý chi phí chặt chẽ hơn. Điển hình, ngân sách dành cho mặt bằng thuê cà phê và nhà hàng trước đây có thể đạt 20%, thậm chí lên đến 30% doanh thu cho các mặt bằng đẹp, đắc địa...Nhưng hiện nay và trong thời gian tới chỉ tối đa từ 10 - 16% để duy trì hiệu quả.

Tuy vậy, bà Trần Phạm Phương Quyên cũng cho rằng, từ thực tế tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, nhiều mặt bằng trống khiến nhãn hàng có tiềm lực tài chính mạnh có thể thu gom những vị trí tốt mà trước đây họ chưa bao giờ chen chân được như mặt bằng phố Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hồ Tùng Mậu…

Đáng chú ý hơn, một số chủ đầu tư còn đưa ra những chính sách tốt, hỗ trợ giá thuê giảm 30% so với mặt bằng giá khu vực vào đầu năm 2020.

Đối với phân khúc Trung tâm thương mại lớn, chủ đầu tư đồng hành nhiều hơn với khách thuê bằng cách giảm giá thuê từ 20 - 50% tùy ngành hàng vào những tháng thấp điểm lượng khách mua sắm.

Cùng với đó, những chính sách thiết thực gồm miễn phí tiền thuê, miễn phí dịch vụ, hoặc giảm 50% phí dịch vụ trong suốt thời gian giãn cách các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa theo quy định Chính phủ.

Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2021 đạt 609.351 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng tháng 8/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 35.522 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8/2021 đạt 24.188 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 49,3% so cùng kỳ năm trước.

Nhóm lương thực, thực phẩm và nhiên liệu khác trừ xăng dầu có mức giảm thấp nhất lần lượt ở mức giảm là 12,2% và 13,2%.

Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 8/2021 đạt 362 tỷ đồng, giảm 57,3% so với tháng trước và giảm đến 94,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu này, chủ yếu đến từ các đơn vị đăng ký phục vụ người dân có nhu cầu cách ly có thu phí tại các khách sạn.

Riêng hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục ghi nhận không phát sinh doanh thu trong tháng 8/2021 và đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, liên tục nhiều tháng vừa qua.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hình thức kinh doanh thức ăn mang về và tại chỗ buộc tạm ngừng để phòng chống dịch COVID-19, doanh thu của hoạt động ăn uống đạt mức thấp và chủ yếu đến từ đơn vị cung cấp suất ăn cho doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, khu cách ly và phục vụ tình nguyện viên.

Do đó, doanh thu hoạt động ăn uống tháng 8/2021 đạt 324 tỷ đồng, với mức giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 59,8% và 95%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đến thời điểm hiện nay, một số chuyên gia cũng đưa dự báo những tháng cuối năm 2021, doanh thu của nhiều nhóm ngành vẫn ở mức rất thấp so với năm trước.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác dự báo sẽ giảm 14,6% so với cùng kỳ trước; trong đó, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 15,8% so với cùng kỳ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục