Doanh nghiệp thép đối mặt với thuận lợi và thách thức nào?

10:39' - 02/03/2022
BNEWS Trên thị trường, nhóm cổ phiếu vật liệu như thép, tôn mạ đã đồng loạt lên tiếng sau một thời gian dài giằng co và trầm lắng.

Với đặc điểm của ngành chu kỳ, ngành thép Việt Nam thường xuyên có các giai đoạn mở rộng và suy thoái xen kẽ. Giới chuyên gia đánh giá, dù ngành thép trong nước đang bước vào giai đoạn suy thoái, nhưng ngược lại ngành này đang có những điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn chu kỳ trước đó khi đầu tư công đang là động lực tăng sản lượng tiêu thụ.

Tp. Hồ Chí Minh bố chí hơn 44.900 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 cùng các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022.

Thực tế này thấy rõ qua nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn thời gian này. Chính phủ đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025, từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay. Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu sản xuất phục hồi mạnh mẽ trở lại khiến nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng toàn thị trường trong tháng đầu năm đạt trên 1 triệu tấn, tăng 1,55% so với tháng trước và tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 1 đạt 231.892 tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trên trị trường, Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi khi cung cấp thép xây dựng cho một loạt các dự án đầu tư công trọng điểm. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, thị phần thép xây dựng Hòa Phát tại Việt Nam đạt 36,3%, tăng gần 6% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong tháng 1/2022, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng gần 382.000 tấn, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng trong tháng 1 đạt 116.000 tấn, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021 và chiếm 50% tổng lượng thép xây dựng xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đầu tư công, sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10 - 15% so với cùng kỳ vào năm 2022. Tại mặt hàng tôn mạ, Công ty CP Chứng khoán Vndirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ vào năm 2022 từ mức cao là 38% so với cùng kỳ trong năm 2021.

Thép Hòa Phát Dung Quất đã nghiên cứu và sản xuất thành công thép cuộn các bon SWRCH22A làm nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu sản xuất đinh ốc vít lô lớn. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh động lực từ tăng sản lượng tiêu thụ nội địa, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới khi Trung Quốc – quốc gia sản xuất 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021, đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này. Cùng với đó, xu hướng các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản lượng thép sản xuất.

Như vậy sẽ sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành thép của các nước đang phát triển với giá nhân công thấp như Việt Nam. Điều này dễ thấy khi sản lượng xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam đạt lần lượt 1,4 triệu và 3,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng lần lượt 36% và 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Riêng tháng 1/2022, xuất khẩu thép trong đạt gần 232.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Kiều Chí Công – Giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, nhu cầu thép các tháng tới trên thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn cao. Công ty đã nhận tối đa đơn hàng xuất khẩu cho các nhà máy tại Hải Dương và Quảng Ngãi đến tháng 4. Với số đơn hàng này, các nhà máy phải luôn hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu thị trường. Việc khai thác thị trường xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Trước đó, các doanh nghiệp thép, tôn mạ như Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu xuất khẩu của chiếm tới 68% tổng doanh thu và tăng cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 28.173 tỷ đồng tăng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ; trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 19.200 tỷ đồng cao gấp 4 lần năm 2020. Hiện, châu Âu và Bắc Mỹ là thị trường trọng tâm của doanh nghiệp này, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bán ra. 

Hay như báo cáo kiểm toán niên độ 2020 - 2021 của Tập đoàn Hoa Sen công bố, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước phải giãn cách xã hội song doanh thu nội địa của Hoa Sen vẫn tăng trưởng 17%, đạt gần 20.400 tỷ. Trong khi đó, điểm sáng ở mảng xuất khẩu với 28.329 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước và đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu trở thành "cứu cánh" cho việc tiêu thụ sản lượng của Hoa Sen. 

Hòa Phát xuất khẩu 35.000 tấn thép cuộn cán nóng đi châu Âu. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ở góc nhìn khác, trong hội thảo thường niên mới đây của FiinGroup, các nhà phân tích cho rằng, năm 2022 vẫn hứa hẹn triển vọng với ngành thép khi Chính phủ sử dụng đầu tư công là công cụ, động lực quan trọng giúp các thành phần kinh tế hồi phục và tăng trưởng, đồng thời các dự án bất động sản đang được đẩy tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có tính chu kỳ như thép có thể thấp hơn so với năm ngoái, nói cách khách biên lợi nhuận gộp ngành thép năm 2022 có thể suy giảm từ mức cao của năm 2021.

Giải thích về tính chu kỳ của cổ phiếu, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty FiinGroup chia sẻ: "Khi giá hàng hoá tăng cao, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và mở rộng công suất, theo đó sẽ dư hàng tồn kho, gây ra hậu quả là cung nhiều cầu và giá lại giảm. Chính vì vậy lợi nhuận các doanh nghiệp mang tính chu kỳ được ví như hình sin và định giá sẽ đi theo chiều ngược lại. Đặc biệt đối với ngành thép, ngoài yếu tố chu kỳ, còn liên quan đến chuỗi giá trị như giá thép cuộn cán nóng (HRC)".

Cùng quan điểm này, các chuyên gia phân tích của Vndirect cho rằng, với việc phụ thuộc lớn vào giá HRC đầu vào và giá bán thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) suy giảm, hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng là thép, tôn mạ sẽ có thể cũng sẽ giảm.

Trước đó, đại điện Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, nhu cầu về mặt hàng thép có thể khởi động từ trung tuần tháng 2/2022 và thị trường xác lập mặt bằng giá mới ở mức cao. Triển vọng thị trường quý I/2022 có thể bắt đầu với một mặt bằng giá mới khi giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng, nhu cầu trong nước có tín hiệu tốt.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu vật liệu như thép, tôn mạ đã đồng loạt lên tiếng sau một thời gian dài giằng co và trầm lắng. Những cổ phiếu trụ cột và đại diện cho nhóm ngành này như HPG, HSG, NKG… tăng, giúp thu hẹp khoảng cách thị trường những ngày trở lại đây.

Đóng cửa phiên hôm qua (1/3), mã NKG, HSG, TVN, TIS, VIS… đều tăng điểm tốt và thu hút dòng tiền quan tâm. Đáng chú ý, HMG, TNS, DTL tăng hết biên độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục