Doanh nghiệp tìm hướng về thị trường lân cận

08:25' - 04/06/2024
BNEWS Nhờ bám sát thị trường và nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, không ít doanh nghiệp đã đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết hết quý III và đang đàm phán thêm đơn hàng cho quý IV.

Tuy nhiên, căng thẳng Biển Đỏ thời gian qua đã tác động ít nhiều đến hoạt động vận chuyển hàng hoá và nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Do đó, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng thâm nhập các thị trường lân cận, tiềm năng và thuận tiện về logistics. Từ đó, giảm rủi ro cũng như chi phí vận chuyển hàng hoá.

 

Mặc dù liên tục nhận các đơn hàng xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông nhưng theo phản ánh từ một số doanh nghiệp, các đơn hàng này hầu như không có lãi bởi chi phí đầu vào tăng cao. Không những thế, doanh nghiệp còn phải chịu tác động kép do đồng USD và giá cước vận tải cùng tăng. Điều này  khiến không ít doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng nhưng vẫn kém vui.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, mặc dù 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả rất khả quan nhưng nhiều doanh nghiệp lại gặp khó do giá cước vận tải tăng phi mã. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng khiến việc bảo quản trái cây cũng khó khăn hơn. Vì vậy, để đáp ứng chất lượng sản phẩm doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành nhưng chi phí lại tăng từ 20 - 30% khiến rau quả bị đội giá lên cao.

Tương tự, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam trước đây thường hướng tới thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á. Tuy vậy, gần đây công ty đã chuyển hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, tiềm năng và hướng đến kế hoạch tăng doanh thu 50% trong năm 2024.

Liên tục nhận được những đơn hàng sang các thị trường khó tính, ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty Dệt may Dony cho hay, thời điểm này là mùa thấp điểm của thị trường truyền thống nhưng lại là dịp Tết của thị trường Campuchia. Chính vì vậy, trước bối cảnh chi phí vận tải tăng cao, công ty đã chủ động điều chỉnh, cân nhắc mở rộng sang thị trường Campuchia để dễ giao nhận bởi đây là thị trường mới nhưng lượng đơn hàng khá dồi dào.

Ông Phạm Quang Anh lý giải thêm, thông thường ngành dệt may sẽ bán chạy nhất vào dịp Tết Nguyên đán với thị trường Việt Nam, Trung Quốc và dịp Tết Dương lịch với các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ hay Trung Đông. Tuy nhiên, do thị trường Campuchia ngày Tết lại rơi vào tháng 4, nghịch mùa với tất cả các thị trường khác. Dự kiến năm 2024, doanh số của công ty sẽ tăng 15%.

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu, bà Dương Thị Thủy, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Công ty Thực phẩm Hữu Nghị cho biết: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng, đóng góp 30% tổng doanh thu của công ty. Hiện tại, sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là bánh trứng nướng Tipo, được thị trường Trung Quốc đón nhận trên tất cả các nền tảng, từ siêu thị, cửa hàng bán lẻ đến thương mại điện tử. Do đó, mục tiêu của công ty trong năm 2024 sẽ tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trên 130% và mở rộng tới các tỉnh, thành khác ở Trung Quốc.

Còn theo ông Nguyễn Huy Thắng, đại diện Công ty Mira Nghi Sơn, mặc dù dự báo tình hình kinh tế vẫn có khó khăn nhưng đã có những tín hiệu phục hồi, bởi vậy doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 10%. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu thị trường tiềm năng như Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á.

Cùng quan điểm tiếp cận những thị trường lân cận, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm GC Food cho rằng, từ đầu năm đến nay đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường chính đều tăng tới 50%. Ngoài các thị trường cũ, doanh nghiệp sẽ mở rộng sang thị trường lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Hiện tại, công ty đã tạm dừng những đơn hàng xuất khẩu đến thị trường Trung Đông và chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn là Trung Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam khi chiếm tới 98% tổng kim ngạch. Đây là những thị trường có rất nhiều ưu điểm đối với rau quả Việt Nam như vị trí địa lý gần, thuận tiện về logistics, thời gian vận chuyển nhanh giúp giảm chi phí vận chuyển cũng như giảm thiểu rủi ro về chất lượng hàng hóa…

Chia sẻ thêm về thông tin thị trường lân cận, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia nhận định: Hàng hóa Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Malaysia. Bởi đây là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt. Hơn nữa, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đây là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tiếp cận được rộng hơn vào thị trường Malaysia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia thông qua các hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia...

Đặc biệt, Thương vụ lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chủ động cập nhật thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Malaysia nói riêng cũng như thị trường các nước Hồi giáo nói chung. Từ đó, có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại thị trường lân cận và tiềm năng này.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, thị trường lân cận là hướng đi để xuất khẩu giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Nếu doanh nghiệp khai thác cơ hội tại các thị trường này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển hướng thị trường, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi giao thương.

Bởi hiện tại, đang có tình trạng lợi dụng chiến sự, một số đối tượng lừa đảo đưa ra các đơn hàng lớn, giá tốt để lừa đảo và chiếm đoạt hàng. Các doanh nghiệp cần thận trọng và xác minh kỹ qua kênh đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực. Mặt khác, khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng và có đặt cọc. Ngoài ra, không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục