Doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đến lĩnh vực kinh tế xanh

15:07' - 06/01/2019
BNEWS Lĩnh vực kinh tế xanh của Trung Quốc ngày càng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực kinh tế xanh của Trung Quốc ngày càng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Số liệu mới đây của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy đầu tư trong lĩnh vực môi trường trong giai đoạn từ tháng 1-11/2018 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng giám đốc Zhang Xiaolun của công ty công nghiệp máy móc quốc gia Trung Quốc Sinomach, công ty đặt mục tiêu đầu tư vào các ngành kinh tế xanh, như sản xuất các thiết bị liên quan tới bảo vệ môi trường và các thành phần cơ bản (cốt lõi) của xe năng lượng mới (NEV).

Tại một diễn đàn gần đây, ông Zhang nói: “Tôi tin rằng ngành sản xuất xanh sẽ nhanh chóng chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, cải thiện năng lực cốt lõi của ngành công nghiệp này và tạo thuận lợi cho việc phát triển bền vững ngành này.”

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp năng lượng ở Trung Quốc cũng đang tích cực dịch chuyển đầu tư và phát triển theo hướng kinh tế xanh. Trong bối cảnh, Trung Quốc bắt đầu khai thác các nguồn năng lượng địa nhiệt phong phú vốn sạch và bền vững, công ty Phát triển năng lượng địa nhiệt xanh Sinopec đang đầu tư mở rộng các dịch vụ năng lượng xanh địa nhiệt này tại các khu vực đô thị và nông thôn trên khắp cả nước.

Theo phó Tổng Giám đốc quản lý công ty địa nhiệt Sinopec Chen Menghui, công ty hiện cung cấp nguồn sưởi ấm địa nhiệt cho diện tích khoảng 50 km2, và đặt mục tiêu tăng diện tích khu vực cung cấp nguồn địa nhiệt này lên 100 km2 vào năm 2023.

Trong khi đó, ngành công nghiệp tái chế của Trung Quốc cũng đang phát triển “bùng nổ”, với nhiều doanh nghiệp đầu tư vào việc chuyển đổi chất thải, bao gồm cả thép, kim loại màu và nhựa, vào các nguồn tài nguyên tái chế bằng việc sử dụng các công nghệ mới.

Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thẩm Quyến và Hàng Châu, nổi lên với việc tái chế dựa vào nền tảng công nghệ, như nền tảng mạng internet. Nhiều công ty lớn của Trung Quốc đang tham gia vào việc kinh doanh tái chế, với tập đoàn Tianneng – gã khổng lồ trong sản xuất pin xe điện NEV – đang trên đà trở thành tập đoàn đi đầu ngành công nghiệp tái chế.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã tiến hành tái chế tổng cộng 282 triệu tấn chất thải, gồm có thép, kim loại màu và nhựa trong năm 2017, tăng 11% lượng rác tái chế so với năm trước đó. Theo kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, doanh thu từ các sản phẩm và thiết bị liên quan đến năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2015.

>> Kinh tế xanh - xu thế tất yếu của phát triển bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục