Độc đáo nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

07:30' - 26/01/2025
BNEWS Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có nhiều đổi mới, với các sản phẩm hương độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định công nhận điểm du lịch lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Đây là làng nghề truyền thống nổi tiếng gần đây được đông đảo du khách biết tới khi đến Thủ đô Hà Nội.

 

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu gần đây có nhiều đổi mới, với các sản phẩm hương độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, có 6 thôn được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Phú Lương Thượng và Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Phú Lương Hạ; Làng nghề sản xuất hương đen truyền thống thôn Xà Cầu; Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Đạo Tú, Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Cầu Bầu và Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Quảng Nguyên.

Điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có 22 công trình di tích, trong đó 8 di tích đã xếp hạng (4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích xếp hạng cấp thành phố).

Ông Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, các làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có lịch sử làm tăm hương với tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Đến với điểm du lịch Quảng Phú Cầu, không chỉ ấn tượng với những bó tăm hương như những “bó hoa” rực rỡ sắc màu dưới nắng mà còn nhớ mãi hương thơm đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có.

Tăm Quảng Phú Cầu được sản xuất từ cây vầu, cây nứa. Trước đây, tăm được chẻ bằng tay, hoàn toàn thủ công, cho ra sản phẩm là tăm vuông, giới hạn về kích thước sản phẩm. Từ khoảng những năm 2010 đến nay, máy móc được áp dụng, sản phẩm đầu ra là tăm tròn, với chủng loại, kích thước rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, hoạt động chẻ tăm bằng tay vẫn được lưu giữ ở một số hộ gia đình trong xã. Đây là hoạt động trải nghiệm rất độc đáo cho du khách khi về với làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu.

Nghề làm hương Quảng Phú Cầu là nghề được thực hiện liên tục và quanh năm. Tuy nhiên bận bịu nhất là dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hương tăng cao, nên những người thợ cũng phải đẩy mạnh sản xuất bằng cách thuê thêm thợ. Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, người thợ đầu tư máy móc tiên tiến, đưa năng suất lao động nhân lên nhiều lần. Ngày xưa, mỗi người thợ se hương bằng tay được khoảng 1 vạn nén hương/ngày, bằng máy móc hiện đại, mỗi ngày công nhân sản xuất được 3-4 vạn nén hương. Ngày nay, bên cạnh sản xuất hương bằng máy móc, hoạt động se hương bằng tay (hương nụ, hương nén) vẫn được duy trì đồng thời. Đây là hoạt động trải nghiệm thú vị cho du khách (cả người lớn và trẻ em).

Những năm gần đây, trên thị trường tràn ngập các loại hương có sử dụng hóa chất tạo mùi thơm, hay lợi dụng tâm lý người tiêu dùng cho rằng hương sau khi cháy sẽ tạo vòm là may mắn, nên một số cơ sở đã sử dụng hóa chất tẩm tăm hương. Nhưng với người thợ làm hương ở Quảng Phú Cầu quan niệm làm hương ngoài yếu tố chất lượng tay nghề, công thức pha chế, người làm hương phải có cái tâm, không có cái tâm thì không nên làm hương. Vì vây, những cây nhang được sản xuất ở Quảng Phú Cầu khi thắp lên có mùi hương thơm ngan ngát, dịu nhẹ và không sử dụng hóa chất cuộn tàn.

Sau khi trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ hương được đóng gói cẩn thận và xuất ra thị trường. Nén hương biểu tượng cho tấm lòng thành kính của người đang sống với thế hệ người đã khuất. Trải qua bao thời gian, nghề sản xuất hương và tăm hương Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển trở thành đặc trưng của làng nghề Hà Nội. Sản phẩm hương và tăm hương Quảng Phú Cầu có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài (Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia). Hương là sản phẩm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng, nén hương được thắp lên với lòng thành kính tiên tổ, nén hương thơm ngát, nhẹ nhẹ tạo không khí linh thiêng, nhưng đằng sau đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, nỗi yêu nghề và là cái tâm của người làm nghề.

Hiện nay, Quảng Phú Cầu có 8 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao (Hương trầm Từ Bi Hương, Hương quế Từ Bi Hương, Hương bồ kết Từ Bi Hương, Hương thảo mộc Từ Bi Hương); 4 sản phẩm OCOP phân hạng 4 sao (Nụ Trám Từ Bi Hương, Nụ Trầm Từ Bi Hương, Nụ Quế Từ Bi Hương và Hương vòng Từ Bi Hương). Đây đều là các sản phẩm chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường, không chỉ là sản phẩm sử dụng hàng ngày mà còn là thức quà tặng mỗi dịp lễ Tết.

Ông Trang Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, được sự quan tâm của các cấp nên các di tích, điểm đến du lịch được đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng, mặt bằng, quỹ đất, trang trí, cảnh quan, thiết kế mô hình, công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu cho du khách… Tại đây có các hạng mục như: mô hình con đường di sản - tượng trưng cho tuyến di sản Nam Thăng Long; Hàng rào di sản; không gian văn hóa Ứng Hòa - là nơi trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của huyện; phòng thay đồ; khu vệ sinh; bãi đỗ xe; không gian trưng bày ngoài trời - là không gian tạo hình tăm hương nhiều màu sắc với các chủ đề khác nhau, bắt mắt, hấp dẫn du khách.

Có thể thấy, các hộ dân tham gia lao động sản xuất sản xuất tăm - hương trong làng; các hộ gia đình là nơi trải nghiệm hoạt động lao động sản xuất hàng ngày, các khâu sản xuất tăm - hương (chẻ tăm bằng tay, se hương bằng tay, chẻ vầu, phơi vầu, nhuộm tăm, phơi tăm, thu tăm, đóng kiện tăm…).

Ngoài ra đến với làng nghề, du khách cũng có thể thăm các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia như: Di tích lịch sử - văn hóa Đình Phú Lương; Chùa Bầu Bỏi; Di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Đình Quảng Nguyên; chùa Quảng Nguyên…

Tuy nhiên, làng nghề này để phát triển mạnh hơn và đặc sắc hơn cũng cần khắc phục các hạn chế như: Cần bổ sung thêm biển chỉ dẫn vào các điểm tham quan trong điểm du lịch; Có biện pháp duy trì cảnh quan môi trường và các khu vực công cộng tại các điểm tham quan đảm bảo vệ sinh, sạch đẹp. Chú ý nâng cao nhận thức cộng động dân cư về phát triển du lịch tại địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục