Đổi mới mô hình tăng trưởng để tránh tụt hậu

14:52' - 04/09/2015
BNEWS Đổi mới mô hình tăng trưởng là điều kiện quan trọng để có thể tránh nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

"Trong giai đoạn tới nếu Việt Nam không có những giải pháp đột phá thì sẽ tụt hậu so với các nước trong vực và rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ là tất yếu".

Các chuyên gia đưa ra ý kiến như vậy tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 -2020 một số đột phá phát triển” do Ban Kinh tế Trung ương, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 4/9.

Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Quốc Huy/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế cần đổi mới theo hướng thị trường hiện đại hướng tới hội nhập, phát huy vai trò kinh tế tư nhân, chú trọng xây dựng nhà nước pháp quyền.

Mô hình tăng trưởng những năm sắp tới cần dựa trên năng suất và hiệu quả hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tăng trưởng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, được thực hiện trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời gian tới Việt Nam cần lấy kinh tế tư nhân làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; trong đó xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn là trụ cột, doanh nhân là lực lượng chủ thể quyết định phát triển.

Nhấn mạnh đến việc phát triển khu vực sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện Việt Nam có gần 70 triệu dân số khu vực nông thôn, hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp và chiếm 46,8% lực lượng lao động toàn xã hội.

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp và nông thôn thời gian qua chưa được sự quan tâm đúng mức.

“Tôi cho rằng, muốn tạo ra sự phát triển rõ nét cho đất nước trong 5 năm tới cần tập trung nguồn lực quốc gia vực dậy sự phát triển của khu vực nông nghiệp và nông thôn. Khu vực này phát triển đi vào văn minh, hiện đại thì tất yếu bộ mặt của đất nước cũng sẽ thay đổi theo”, ông Phong nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, khai thác các lợi thế so sánh tĩnh và động để thực hiện sự phát triển độc đáo và khác biệt, tránh bị lệ thuộc và một đối tác riêng lẻ nào. Đây là hướng cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đinh Văn Cương cho biết, các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn sẽ được xem xét để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các luận cứ khoa học và thực tiễn.

Những ý kiến này góp phần vào việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), cũng như đóng góp cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng./.

Quốc Huy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục