Động lực nào thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

19:31' - 04/12/2021
BNEWS Theo nhiều chuyên gia, thực tiễn sau đại dịch đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mô hình kinh tế để đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
“Một trong những xu hướng quan trọng sau dịch COVID-19 là quá trình chuyển đổi số cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây cũng là động lực chủ chốt cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới...”, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại buổi đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economics Times tổ chức, chiều 4/12.

Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo nhiều chuyên gia, thực tiễn sau đại dịch đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mô hình kinh tế để đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Đây cũng là nhiệm vụ trọng yếu đã được Đảng, Chính phủ xác định tập trung trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.

Theo ông Đặng Đức Anh, văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, mô hình tăng trưởng chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao sức cạnh trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, việc phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Do đó, để tăng trưởng kinh tế với mô hình mới, cần đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn lực.

“Muốn phân bổ hiệu quả cần cơ cấu lại của các cơ quan kinh tế, làm sao phát huy được các tiềm lực của các vùng, địa phương. Đi liền với đó là hình thành các cực tăng trưởng mới để thúc đẩy sự liên kết của kinh tế vùng, địa phương. Cùng với đó, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, vấn đề đổi mới thể chế và cơ chế quản lý để tháo gỡ điểm nghẽn cần được xem là một trọng tâm hàng đầu hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh các chính sách tài khóa và tiền tệ”, ông Đặng Đức Anh cho biết.

Cùng với việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực, mô hình tăng trưởng kinh tế mới phải dựa trên khoa học và sáng tạo. “Đại dịch vừa có tác động tiêu cực lại vừa có tác động tích cực trong việc làm thay đổi tư duy và thúc đẩy quá trình cải các mạnh mẽ hơn. Trong điều kiện bình thường, động lực cho sự đổi mới ít hơn. Dịch COVID-19 đã tạo ra sức ép trong thay đổi tư duy chuyển đổi số. Việc này bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy của bộ máy hành chính”, Phó viện trưởng CIEM nhận định.

Ông Đặng Đức Anh cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều nội lực để bứt phá. Trong đó nội lực quan trọng hàng đầu là khu vực kinh tế tư nhân năng động và thích ứng nhanh với biến động. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có khả năng nắm bắt các xu hướng mới. Do đó, với định hướng tập trung vào công nghệ và đổi mới, đây là một nhân tố then chốt trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Đặng Đức Anh lưu ý về việc xây dựng một bộ máy hành chính kiến tạo, đồng thời phân định rõ vai trò của nhà nước và thị trường; trong đó, sự điều hành của nhà nước tạo điều kiện để thúc đẩy cho phát triển của thị trường.

Với khu vực tư nhân, điều họ cần là một môi trường kinh doanh ổn định và công bằng, hơn là các hỗ trợ. Nếu có một bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh ổn định và thúc đẩy đầu tư, thì có thể ‘thổi bùng’ tiềm năng của khu vực tư nhân.

Thời gian tới cần phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và việc này bắt nguồn từ con người. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh triển khai là đào tạo lại, nâng cao năng suất lao động – yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục