Đồng NDT trước nhiều thách thức khi muốn "soán ngôi" đồng USD

05:30' - 29/04/2023
BNEWS Trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của thế lực thách thức quyền thống trị của đồng USD, một số câu hỏi được đặt ra là: Ai có thể làm lung lay đồng USD?

Theo báo Liên hợp buổi sáng số ra mới đây, các thông tin liên quan đến địa vị thống trị của đồng USD suy yếu liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây, ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng lo ngại việc thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế với các nước như Nga sẽ gây tổn hại cho sự thống trị của đồng USD trên toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của thế lực thách thức quyền thống trị của đồng USD, một số câu hỏi được đặt ra là: Ai có thể làm lung lay đồng USD? Kẻ thách thức cần phải có những điều kiện cụ thể như thế nào? Vai trò có thể của đồng NDT là gì?

Vấn đề của đồng USD đã tồn tại từ lâu. Với tư cách là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất trên thế giới, Mỹ có đặc quyền tiền tệ mà các nước khác không thể có được như in tiền, phát hành trái phiếu…, điều này cũng mang lại cho Mỹ đặc quyền chính sách tiền tệ bị chỉ trích nhiều nhất, dường như có thể làm mọi thứ mong muốn - nới lỏng định lượng nếu cần cứu trợ, cung tiền không giới hạn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đột ngột trước áp lực lạm phát trong nước, do USD là đồng tiền giao dịch chủ yếu nên các nước trên thế giới đều phải tuân theo. Ngay từ hơn nửa thế kỷ trước, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã thể hiện sự bất mãn sâu sắc với “đặc quyền kiêu ngạo” mà đồng USD thụ hưởng. 

Bất chấp những vấn đề và sự chỉ trích, địa vị thống trị của đồng USD luôn vững chắc. Xét từ tỷ trọng trong hoạt động tài chính quốc tế của đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác, mức độ dẫn đầu của đồng USD vẫn tương đối lớn. Lấy thương mại xuyên biên giới làm ví dụ, theo thống kê của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), đồng USD chiếm 84,84% trong số các loại tiền tệ được sử dụng trong thanh toán thương mại xuyên biên giới toàn cầu vào năm 2022, thứ hai là đồng euro chiếm 6,32%, đồng NDT đứng thứ ba chỉ chiếm 3,91%. Mặc dù số liệu của các đơn vị thống kê khác nhau có sự khác biệt, nhưng tỷ trọng của đồng USD luôn vượt xa là điều chắc chắn. Bên cạnh đó, đồng USD cũng thống trị trong tỷ trọng của các đồng tiền khác như tài sản dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, khối lượng giao dịch ngoại hối hàng ngày, thanh toán tiêu dùng toàn cầu…  

Về đồng NDT, mặc dù tỷ trọng thanh toán quốc tế vẫn còn thấp, nhưng tốc độ phát triển đã thu hút sự chú ý. Sau khi được đưa vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2016, đồng NDT được thừa nhận là một trong năm đồng tiền mạnh của toàn cầu. Ngoài ra, cùng với tiến trình quốc tế hóa đồng NDT diễn ra mạnh mẽ, tốc độ lưu thông của đồng NDT trên thị trường quốc tế phát triển nhanh chóng. Lấy thanh toán thương mại xuyên biên giới toàn cầu làm ví dụ, từ năm 2021-2022 đồng NDT đã tăng gấp ba, tốc độ thực sự ấn tượng. Thêm vào đó, môi trường đọ sức, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt trong những năm gần đây đã khiến địa vị của đồng NDT trong thời kỳ hậu bá chủ của đồng USD trở thành chủ đề thảo luận.  

Vai trò có thể của đồng NDT là gì? Liệu đồng NDT có thể thay thế đồng USD hay không? Nói một cách khách quan, đây có lẽ vẫn là mục tiêu tương đối xa vời. Lấy kinh nghiệm về sự trỗi dậy của đồng USD làm ví dụ, để trở thành đồng tiền lưu thông quốc tế quan trọng hàng đầu cần có nhiều điều kiện phối hợp. Sự hình thành quyền thống trị của đồng USD dựa trên các nhân tố sau:

Sau Thế chiến thứ hai, USD được xác định là đồng tiền chính để thanh toán và dự trữ quốc tế thông qua hệ thống Bretton Woods. Dưới hệ thống này, USD neo vào vàng, trong khi đồng tiền của các nước khác neo và trao đổi với USD, thiết lập nền tảng trung tâm của USD, cộng thêm hệ thống hỗ trợ dựa trên IMF, ngay cả khi hệ thống Bretton Woods kết thúc vào những năm 1970, nhưng nó cũng không thể cản trở địa vị thống trị của USD.

Đồng tiền có quyền thống trị cần phải lưu thông trên toàn cầu. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ hỗ trợ châu Âu hình thành Eurodollar (khoản tiền gửi bằng USD trên tài khoản ngân hàng nằm ngoài nước Mỹ). Quyền lực chính trị và các thỏa thuận giao dịch dầu mỏ đã hình thành Petrodollar (đồng USD mà các nước mua dầu mỏ dùng để trả cho các nước xuất khẩu dầu). Thâm hụt thương mại dài hạn với nhiều quốc gia Đông Á đã hình thành Asiandollar (đồng USD được gửi ở các ngân hàng châu Á). Từ Eurodollar, Petrodollar đến Asiandollar, USD được lưu hành rộng rãi trên phạm vi quốc tế.

Những thập kỷ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất toàn cầu. Sức mạnh kinh tế của Mỹ và hiện diện quân sự trên toàn cầu đã cung cấp sự bảo đảm tín dụng mạnh mẽ cho đồng USD. Thị trường tài chính: Tiền tệ không chỉ dùng để định giá và dự trữ, mà còn là một loại hàng hóa. Mỹ có thị trường tài chính với mức độ tự do hóa cao và lớn nhất toàn cầu, đủ để hỗ trợ một lượng lớn đầu tư quốc tế và các sản phẩm tài chính định giá bằng USD.

Dựa vào kinh nghiệm lịch sử trở thành đồng tiền lưu thông toàn cầu của USD có thể thấy rằng khả năng để đồng NDT thay thế USD trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Trước tiên, với tư cách là quốc gia kiểm soát tiền tệ, thị trường tài chính định giá bằng NDT có bao nhiêu không gian giao dịch tự do? Tiếp đó, mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng tín nhiệm của quốc tế đối với thể chế chính trị và kinh tế của Trung Quốc vẫn không đủ, điều này ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường đối với đồng NDT. Về góc độ lưu thông và dự trữ của đồng tiền toàn cầu, phải đến khi các quốc gia khác có số dư NDT lớn, tức là Trung Quốc cần tiến hành giao dịch thương mại bằng NDT, hơn nữa khối lượng nhập khẩu lớn hơn khối lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có chấp nhận thâm hụt thương mại, trở thành nước nhập siêu trong giai đoạn này hay không? 

Một vấn đề khác cần đề cập là, mặc dù Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng dầu mỏ mà Trung Quốc mua của các nước sản xuất dầu như Saudi Arabia vẫn sử dụng USD để định giá. Mặc dù vấn đề Petroyuan (giá dầu được tính bằng đồng NDT) được đồn đại, nhưng vẫn chưa có hành động cụ thể trên thực tế. Về hệ thống tiền tệ và hệ thống an ninh tiền tệ, chẳng hạn như thành lập quỹ tiền tệ…, đó là một dự án khác đầy tham vọng hơn. 

Dựa trên suy luận này, định vị hợp lý của đồng NDT trong giai đoạn này không phải là thay thế USD, mà là làm theo cách khác bên ngoài quyền thống trị của USD: Một là cố gắng thực hiện các giao dịch quốc tế bằng đồng nội tệ song phương tương tự như giao dịch dầu mỏ giữa Trung Quốc và Nga, sau cùng dần chuyển sang thanh toán bằng đồng NDT. Hai là ký thỏa thuận hợp tác tiền tệ song phương với nhiều nước hơn. Ba là cùng các nước thân thiện, chẳng hạn như các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nghiên cứu cơ chế thanh toán vượt qua các loại tiền tệ có chủ quyền và bắt đầu thiết lập một hệ thống quỹ tiền tệ. Bốn là thúc đẩy hình thức dự trữ quốc tế dựa trên nền tảng tiền điện tử hoặc SDR…, đây cũng là chủ trương được Trung Quốc đưa ra từ 10 năm trước. Năm là tiếp tục thúc đẩy lưu thông quốc tế của đồng NDT thông qua viện trợ nước ngoài, thương mại, đầu tư…  

Do đó, trong tương lai gần, đồng USD vẫn tiếp tục thống trị. Đối với việc liệu đồng NDT có thể làm lung lay và thay thế đồng USD hay không thì hiện nay vẫn còn quá sớm để nói. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia lên kế hoạch đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế lấy đồng NDT là trung tâm, đây là một xu hướng đáng được quan tâm và nó thực sự đang diễn ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục