Đồng nội tệ Ai Cập tiếp tục mất giá

09:53' - 13/08/2024
BNEWS Báo cáo của BMI dự báo tỷ giá hối đoái của đồng EGP có thể dao động trong khoảng 47,9 - 49,5 EGP đổi 1 USD, giảm so với dự báo trước đó là 46,5 - 47,5 EGP đổi 1 USD.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong báo cáo phân tích mới đây, hãng nghiên cứu thị trường BMI, một đơn vị thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions, nhận định những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông có thể sẽ khiến đồng bảng Ai Cập (EGP) suy yếu hơn so với USD trong suốt thời gian còn lại của năm 2024.

 

Báo cáo của BMI dự báo tỷ giá hối đoái của đồng EGP có thể dao động trong khoảng 47,9 - 49,5 EGP đổi 1 USD, giảm so với dự báo trước đó là 46,5 - 47,5 EGP đổi 1 USD. BMI cho rằng sự suy giảm này là do những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông, bao gồm cả các cuộc tấn công kép của Israel vào Beirut và Tehran, làm gia tăng rủi ro trong khu vực, dẫn đến giá trị đồng bảng Ai Cập giảm 2% so với "đồng bạc xanh".

BMI cảnh báo tình trạng bất ổn triền miên trong khu vực, đặc biệt là ở Dải Gaza và dọc biên giới Israel-Liban, có thể kéo dài tình trạng bất ổn an ninh hiện nay và khiến các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế của Ai Cập. BMI cho rằng lệnh ngừng bắn ở Gaza nếu đạt được có thể cải thiện đáng kể tình hình, đưa hoạt động hàng hải ở Biển Đỏ trở lại trạng thái bình thường và thúc đẩy hoạt động du lịch. Tất cả những điều này có thể giúp đồng EGP mạnh vọt lên với tỷ giá 47,5 EGP đổi 1 USD.

Fitch Solutions đưa ra hai kịch bản tiềm năng cho năm 2025. Trong kịch bản lạc quan, được ghi nhận bằng sự hạ nhiệt nhanh chóng của các cuộc xung đột, đồng nội tệ Ai Cập có thể tăng lên 46,50 - 48,50 EGP đổi 1 USD. Trong trường hợp căng thẳng vẫn tiếp diễn hoặc leo thang, đồng bảng Ai Cập có thể tiếp tục giảm nữa xuống khoảng 49,5 - 55 EGP đổi 1 USD trong ngắn hạn.

BMI giải thích rằng sự suy yếu của EGP chủ yếu phản ánh các nhu cầu tài chính bên ngoài rất lớn của Ai Cập, bao gồm thâm hụt thương mại khổng lồ và các khoản thanh toán nợ lớn. Nền kinh tế Ai Cập tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả của các cuộc xung đột trong khu vực. Trong tuần trước, Ai Cập đã chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra ồ ạt, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ và căng thẳng leo thang nguy hiểm ở Trung Đông.

Dự trữ ngoại hối của Ai Cập đã giảm 4 tỷ USD vào tháng 6/2024 do lo ngại về tình hình an ninh khu vực, làm gia tăng áp lực lên đồng nội tệ của xứ sở Kim tự tháp. Kênh đào Suez, một nguồn thu quan trọng của Ai Cập, cũng bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng địa chính trị, với khoản thất thu hàng tháng ước vào khoảng 400 triệu USD kể từ tháng 12/2023 đến nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục