ESCANBER (tạo lập hệ chu trình vòng khí thải Carbon với cao su thiên nhiên) là dự án hợp tác giữa Trường Đại học Bách Khoa (HUST), Trường Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT) và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV), sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cục Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) hỗ trợ triển khai.
Dự án bắt đầu vào tháng 4/2011 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2016.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, dự án thực hiện có ý nghĩa thiết thực đối với ngành cao su Việt Nam. Một số kết quả của dự án đã được vận dụng vào thực tiễn như công nghệ khử protein đã giúp sản xuất ra sản phẩm găng tay không gây dị ứng cho người sử dụng.
Hoặc giải pháp xử lý nước thải đối với nhà máy chế biến cao su. Và đây là vấn đề cần thiết đối với ngành. Việc thực hiện dự án tạo cơ hội để hợp tác, giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản.
Một số xí nghiệp cao su khu vực Tp. Hồ Chí Minh đã sử dụng cao su có lượng protein thấp để thử nghiệm sản xuất các loại găng tay dùng trong phòng thí nghiệm, găng tay phẫu thuật và găng tay dùng trong nhà bếp.
Dự án đã phân phối 150.000 đôi găng tay dùng trong phòng thí nghiệm cho 16 viện nghiên cứu và bệnh viện lớn ở Hà Nội để nhận ý kiến phản hồi. Một y tá sau khi dùng thử đã nhận xét rằng, nếu có giá thành phù hợp sẽ mua dùng để phòng tránh dị ứng cho bệnh nhân và các nhân viên y tế.
Giáo sư Fukuda, Giám đốc dự án, một trong những nhà nghiên cứu tiên phong trong việc phát triển nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của dự án, khẳng định: Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng giúp đẩy mạnh việc sử dụng cao su tự nhiên thay thế cho cao su tổng hợp, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp cao su ở Việt Nam trong những năm gần đây, việc phát triển các sản phẩm mới từ cao su tự nhiên sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu “tăng trưởng xanh”.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các sản phẩm cao su chất lượng cao và polyme tính năng cao tạo ra từ cao su tự nhiên có hàm lượng protein thấp cũng được phát triển trong khuôn khổ dự án. Những vật liệu này có thể được dùng trong ngành công nghiệp ô tô hoặc các ứng dụng cụ thể như màng điện phân polymer trong pin nhiên liệu.
Một thành quả khác của dự án chính là phát triển thành công công nghệ tiên tiến xử lý nước thải từ các nhà máy sản xuất cao su, góp phần tích cực giảm thiểu khí nhà kính và thu hồi khí metan để tận dụng làm nhiên liệu. Đồng thời, men phân hủy sinh khối xenlulo với cao su để sản xuất đường và rượu cũng được dự án nghiên cứu phân tách thành công./.