BNEWS
Việc nâng cao tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, sản xuất theo chu trình khép kín sẽ giúp các doanh nghiệp cá tra vượt qua thách thức và có thể hồi phục vào quý III/2023.
Xuất khẩu cá tra đã sụt giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2023, sau khi lập kỷ lục về xuất khẩu vào năm ngoái. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn dự báo: nhờ tích cực nâng cao tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, định hướng sản xuất kinh doanh theo một chu trình khép kín từ khâu tạo giống, chế biến thức ăn đến thành phẩm có thể sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức và doanh thu dự báo hồi phục trở lại vào quý III/2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, cá tra vẫn giảm sâu 38% đạt 240 triệu USD.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, nhu cầu cá tra bắt đầu giảm mạnh từ quý IV/2022 sau khi ghi nhận diễn biến tích cực đầu năm. Bắt đầu từ tháng 11, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam bắt đầu giảm từ 20% - 30% so với cùng kỳ do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu đã đạt mức cao, cùng lạm phát kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nhập khẩu cá tra.
Mặc dù Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại, nhưng cũng chỉ nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa nên nhu cầu nhập khẩu của nước này vẫn không thể bù đắp cho thiếu hụt nặng nề về cầu ở các nước phương Tây.
Sang tháng 1/2023, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh lần lượt là 51% và 60% so với cùng kỳ năm 2022, do vướng vào dịp Tết Nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu bị trì hoãn.
Theo VASEP, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 2, đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, VCBS dự báo nhu cầu về cá tra sẽ tiếp tục giảm ở hầu hết các thị trường cho đến quý III/2023. Theo chu kỳ, giá cá tra xuất khẩu sẽ có khả năng tăng trở lại từ quý III/2023, khi nhu cầu nhập khẩu cá tăng trở lại để phục vụ cho các dịp lễ cuối năm. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang dần mở cửa và hồi phục trở lại, nên tiêu thụ của người dân được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
Giá cá nguyên liệu đang có xu hướng giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá các loại ngũ cốc đã dần hạ nhiệt từ quý III/2022, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.
Theo các chuyên gia, hiện tượng El Nino khả năng cao sẽ quay trở lại vào năm 2023, khiến cho thời tiết toàn cầu sẽ nóng và khô hạn hơn, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và thu hoạch. Trên cơ sở này, giá ngũ cốc trong năm 2023 sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nên nếu tỷ giá tiếp tục tăng cao trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho việc nuôi cá. Tuy nhiên VCBS cho biết, việc giá thức ăn tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến người nông dân bỏ nuôi nhiều như năm 2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cá tra có cơ hội mở rộng thêm thị phần nhờ tích cực nâng cao tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, định hướng sản xuất kinh doanh theo một chu trình khép kín từ khâu tạo giống, chế biến thức ăn, đến thành phẩm về cá nên ảnh hưởng về chi phí thức ăn tăng cao được giảm bớt.
Thực tế dù giá thức ăn tăng cao trong năm 2022, nhưng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt kỷ lục. VCBS cho biết năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt mức kỷ lục 2,44 tỷ USD tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Xét theo từng thị trường, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 29%, tiếp theo là thị trường Mỹ 22%, các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chiếm 14%.
Tăng trưởng kim ngạch ở các thị trường so với cùng kỳ năm trước hầu như đều ở mức từ 30% trở lên; trong đó, thị trường Trung Quốc tăng trưởng 60%, thị trường Mỹ tăng trưởng 45%, EU tăng 94%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 57%. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ ở Trung Đông có mức tăng đột phá từ 115-429%. Nhờ xuất khẩu tăng cao, nhiều doanh nghiệp cá tra có doanh thu và lợi nhuận bứt phá, thậm chí đạt kỷ lực.
Bước sang năm 2023, vẫn có những doanh nghiệp tận dụng được lợi thế để tiếp đà tăng trưởng, nhưng có những doanh nghiệp triển vọng không mấy sáng sủa do khó khăn từ nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường chính được dự báo sẽ suy giảm.
Doanh nghiệp tiêu biểu, xuất khẩu cá tra lớn có thể kể đến là Công ty cổ phần Nam Việt có kết quả kinh doanh rất tích cực trong năm 2022 và đang cơ hội chiếm lĩnh thêm thị phần.
Theo đó năm 2022, Công ty cổ phần Nam Việt đạt 4.896 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 40% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt gần 674 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần so với năm 2021
VCBS cho rằng, Công ty cổ phần Nam Việt tăng trưởng nhờ phân tán tập khách hàng ngoài EU và Mỹ và động lực mạnh mẽ tới từ thị trường Trung Quốc. Nhiều đơn hàng đã được ký kết để xuất khẩu cho tới hết quý I/2023.
Hiện tại doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 1,4% tổng doanh thu của Công ty cổ phần Nam Việt, doanh nghiệp sẽ tích cực mở rộng khoảng 5-7% sản lượng xuất khẩu vào thị trường này trong 2-3 năm tới và đảm bảo thuế chống bán phá giá duy trì ở mức 0% nhờ có đội ngũ luật sư với kinh nghiệm lâu năm.
Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay Công ty cổ phần Nam Việt đang chiếm 15% giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.
Giá bán ở thị trường Trung Quốc vẫn đang tương đối ổn định, nhu cầu của thị trường này vẫn còn cao do Trung Quốc mới mở cửa sau đợt giãn cách COVID-19 kéo dài, ANV dự định sẽ mở rộng tập khách hàng để đẩy mạnh các đơn hàng ở thị trường Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 45% trong năm 2023 và là động lực tăng trưởng chính cho ANV.
Nhu cầu cá tra tăng mạnh vào nửa cuối 2022, khiến nhà máy Công ty cổ phần Nam Việt bị quá tải, tổng các đơn hàng chưa thực hiện từ năm trước là 788 container. Như vậy, tính đến thời điểm tháng 1/2023, tổng số container được ký kết xuất khẩu đã đạt khoảng 47% so với tổng công xuất được trong năm trước.
Bên cạnh đó, giá cước tàu thủy đã giảm đáng kể ở thời điểm tháng 2/2023 cũng là thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, giá cước xuất sang Tây Ban Nha và Mỹ giảm lần lượt 50% và 55%, giá cước tàu sang Thái Lan giảm 13%, sang các nước tiểu vương quốc Ả rập giảm 32%.
Với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, năm 2022, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đạt tổng doanh thu 13.472 tỷ đồng, tăng 4.410 tỷ so với năm 2021 và là mức cao nhất sau 16 năm niêm yết, từ 2007.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích từ VCBS cho rằng, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp chưa thực sự sáng khi nhu cầu từ Âu – Mỹ suy yếu. Thực tế, năm 2022, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn bội thu từ thị trường Mỹ Năm 2022, VHC vẫn duy trì ổn định thị phần của mình ở các thị trường, doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ ở hai thị trường Mỹ và châu Âu, lần lượt là 52% và 24%.
Do được hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng từ Nga và lạm phát tăng cao khiến cho thị trường Mỹ tiêu thụ cá tra nhiều hơn, Vĩnh Hoàn đã tận dụng cơ hội này để tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều hơn, tỷ trọng doanh thu đến từ thị trường Mỹ đạt 44% trong năm 2022, tăng 3% so với năm 2021, trong khi tỷ trọng các thị trường khác đều giảm nhẹ từ 3%-7.
Tính tới thời điểm tháng 1/2023,
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đã ký thêm được nhiều đơn hàng mới để xuất khẩu cho đến giữa năm 2023.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, giá cá sẽ hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm và bắt đầu hồi phục từ khoảng quý III/2023.
Hiện tượng thời tiết nóng lên ảnh hưởng đến việc chăn nuôi cá tra. Đồng thời, nắng nóng cũng sẽ làm sụt giảm năng suất gieo trồng các loại cây ngũ cốc khiến giá nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao./.