Du học tự túc tại Nhật Bản: Bài 4 - "Trồng cây đến ngày ăn quả"

13:42' - 25/03/2019
BNEWS Những nỗ lực học tập chăm chỉ, tích luỹ kinh nghiệm của nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã mang lại cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.
Hai du học sinh Việt Nam đang du học tại Đại học Aomori. Ảnh: Nguyễn Tuyến - PV TTXVN tại Nhật Bản 

Với những du học sinh sang Nhật Bản theo hình thức tự túc, các em cần phải xác định rõ cuộc sống sẽ vất vả, vừa đi làm để có thể trang trải chi phí cho cuộc sống tại Nhật Bản, vừa phải tham gia đủ số buổi học ở trường, phải hoàn thành bài tập, phải vượt qua các kỳ thi và phải sống tiết kiệm.

Từng đó nhiệm vụ nặng nề, song với sức bật của tuổi trẻ và ý chí, các em hoàn toàn có thể vượt qua. Điều quan trọng là cho dù có khó khăn, các em không được từ bỏ mục tiêu quan trọng nhất của mình trong chuyến du học.

Cuộc sống khó khăn của một du học sinh vừa học vừa làm có thể kéo dài khoảng 6 năm, vượt qua được 6 năm đó thành công, các em sẽ có bằng cấp, đủ cơ sở để tìm được một công việc phù hợp, ổn định cho mình ở Nhật Bản hay tại Việt Nam.

Không thiếu những du học sinh vừa học vừa làm người Việt Nam giờ đây đã có một vị trí xã hội ổn định ở Nhật Bản.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1983, Giám đốc điều hành Công ty NAL Japan, là một trong những gương mặt người Việt lập nghiệp thành công tại Nhật Bản.

Anh sang Nhật Bản năm 2002, theo chương trình học bổng của báo Asahi tại Nhật Bản, được tài trợ nhà ở, sinh hoạt phí và tiền học 2 năm tiếng Nhật.

Đổi lại, anh sẽ đi phát báo hai lần một ngày trong 2 năm đó. Công việc phát báo tưởng chừng như nhàn hạ, thế nhưng vào những ngày mưa bão, tuyết rơi, phải đi trên đường vào lúc 2 hoặc 3 giờ sáng quả là một thử thách.

Kết thúc 2 năm học trường tiếng, anh Tuấn Anh tiếp tục học lên đại học và vẫn phương thức vừa học vừa làm, anh xin chạy bàn cho quán ăn, làm tại cửa hàng tiện lợi….

Sau 6 năm vừa học vừa làm, anh đã hoàn thành chương trình đại học và được nhận vào một công ty lớn của Nhật Bản.

Cho dù trải qua nhiều vất vả để có được thành công như ngày nay, song với anh, điều đó càng giúp anh rèn giũa được nghị lực và tự hào về thành quả mình đạt được.

Năm 2017, cảnh sát Nhật Bản tại Takatsu, tỉnh Kanagawa đã khen thưởng hai du học sinh Việt Nam dũng cảm bắt trộm, trong đó có em Nguyễn Dương Tùng.

Khi phóng viên TTXVN đến gặp lần đầu, em Tùng đang là học sinh năm cuối trường tiếng Nhật, cũng đi du học theo chương trình học bổng của báo Asahi.

Một năm sau gặp lại, em vui mừng thông báo đã thực hiện được ước mơ, đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp thực phẩm Niigata.

Chị Nguyễn Hồng Phương, sinh năm 1985, hiện là nhân viên hành chính của một trường trung cấp nghề ô tô tại thủ đô Tokyo.

Là một người phụ nữ có thân hình nhỏ bé, nhưng chị đã từng trải qua những công việc khá nặng nhọc thời du học sinh, từ việc dọn dẹp khách sạn phải dịch chuyển những chiếc giường nặng nề, đến công việc bốc vác hàng hóa cho công ty chuyển phát Yamato…

Không phải là một du học sinh có thành tích nổi trội, song nhờ sự cần cù, chăm chỉ và nghị lực, chị đã hoàn thành chương trình đại học.

Giờ đây tìm được một công việc văn phòng ở Tokyo với mức lương 250.000 yên/tháng (2.273 USD), đối với chị không còn là điều quá khó khăn.

Nguyễn Hồng Hạnh, cử nhân du lịch của một trường đại học tại Tokyo, hiện là nhân viên phòng giao dịch một công ty du lịch lớn của Nhật Bản với nguồn thu nhập ổn định, phù hợp với chuyên ngành học và một môi trường làm việc thân thiện.

Để có được nụ cười rạng rỡ như hôm nay, Hạnh cũng đã trải qua những ngày vừa học vừa làm đầy vất vả, bàn tay nứt nẻ vì ngâm nước liên tục ở xưởng giặt là, đứng liên tục 5 giờ đồng hồ ở xưởng cơm hộp…

Trong những ngày đó, Hạnh luôn tự động viên mình, vượt qua sự lười biếng, sự cám dỗ để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Tại một hệ thống nhà hàng lớn ở Tokyo, cũng có khoảng 70 nhân viên Việt Nam, trong đó có 10 người là nhân viên chính thức.

Cách đây khoảng 10 năm, du học sinh Việt Nam tên Nguyễn Hoàng Dũng đã đến xin làm thêm tại nhà hàng.

Vốn tiếng Nhật không nhiều chỉ ở mức N3, mức giao tiếp thông thường trong cuộc sống, song sự cố gắng, cần cù và ngoan ngoãn của Dũng đã tạo được lòng tin lớn với người chủ doanh nghiệp.

Từ Dũng, doanh nghiệp này đã tăng cường tuyển dụng lao động Việt Nam. Riêng đối với Dũng, sau khi hoàn thành chương trình học tại trường trung cấp nghề, em đã được chủ doanh nghiệp nâng lên thành nhân viên chính thức.

Có thể nói phần lớn du học sinh Việt Nam vừa học vừa làm tại Nhật Bản là những em ngoan ngoãn, có nghị lực và rất chăm chỉ.

Giáo sư Nguyễn Chí Nghĩa tại Trường Đại học Aomori, một cựu du học sinh Việt Nam thành công tại Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Tuyến - PV TTXVN tại Nhật Bản 

Số du học sinh bỏ trốn và phạm tội chỉ là phần trăm nhỏ trong tổng số hàng chục nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản.

Đã chọn con đường du học tự túc, đã quyết định chọn cuộc sống tự lập, xa gia đình mỗi du học sinh cần phải sáng suốt và nghị lực, để luôn có lựa chọn đúng đắn, tránh được những quyết định sai lầm sẽ hủy hoại tương lai các em. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục