Dự kiến lợi nhuận năm 2021 của VIMC vượt xa chỉ tiêu

16:14' - 21/10/2021
BNEWS Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm là 944 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 quý đầu năm, Tổng công ty đã đạt lợi nhuận 1.300 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - mã chứng khoán MVN) cho biết, đến thời điểm này lợi nhuận của VIMC đã vượt xa chỉ tiêu đề ra năm 2021.

Cụ thể, năm 2021, VIMC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm là 944 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 quý đầu năm, Tổng công ty đã đạt lợi nhuận 1.300 tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận hợp nhất  9 tháng năm 2021, VIMC đã đạt lợi nhuận khoảng 2.300 tỷ đồng.

“Nếu tính đến cuối năm không có biến động gì lớn thì dự kiến cả năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ đạt lợi nhuận hợp nhất từ  2.700 -2.800 tỷ đồng”, đại diện lãnh đạo VIMC thông tin.

Đánh giá về những yếu tố giúp lợi nhuận của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt vượt so với kỳ vọng, đại diện lãnh đạo VIMC cho hay, trong giai đoạn đầu năm, Tổng công ty chỉ dự kiến mảng vận tải biển cố gắng duy trì sản xuất, giảm lỗ tiến tới cân bằng. Tuy nhiên, với nhiều diễn biến thuận lợi trên thị trường vận tải biển nên mảng vận tải biển từ đầu năm nay tăng trưởng mạnh, dẫn đến có lợi nhuận và giảm được một phần lỗ của giai đoạn trước đó.

Bên cạnh đó, mảng cảng biển năm 2021 cũng khả quan. Mảng dịch vụ logistics tuy khó khăn hơn, nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với năm trước.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra đầu năm, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2021 đạt khoảng 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 944 tỷ đồng.

Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai các dự án tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021-2025 như: Dự án Bến số 4, 5 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng; nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn tại Bình Định; các dự án đầu tư Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu cùng tại thành phố Đà Nẵng.

VIMC cũng tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ; đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của VIMC…

VIMC hiện nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty con và có vốn góp tại 15 công ty liên kết. Với việc sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 mét cầu bến (chiếm gần 25% tổng số mét cầu bến quốc gia), khả năng thông quan hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước), VIMC đang giữ vị trí quan trọng của ngành hàng hải Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, VIMC trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục