Du lịch đường thủy Tp. Hồ Chí Minh – Bài 1: Buýt đường sông chưa hấp dẫn

19:20' - 02/02/2019
BNEWS Mặc dù có lợi thế phát triển giao thông vận tải đường thủy nhưng Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa tận dụng được cơ hội để phát triển du lịch đường thủy nội đô.

Sở hữu hơn 1.000 km đường sông, Tp. Hồ Chí Minh có tiềm năng và lợi thế để phát triển giao thông vận tải đường thủy.

Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa tận dụng và khai thác hiệu quả thế mạnh này để giải bài toán ách tắc giao thông đường bộ; đồng thời, mở ra cơ hội phát triển liên ngành; trong đó, có sản phẩm du lịch đường thủy nội đô đang được du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Bài 1: Buýt đường sông chưa hấp dẫn

Buýt sông tại bến Bạch Đằng. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Một trong các giải pháp gần đây được Tp. Hồ Chí Minh triển khai nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của đường thủy là việc đưa vào vận hành hai tuyến buýt đường sông nội đô.

Mặc dù vậy, qua hơn một năm đi vào hoạt động, tuyến buýt đường sông vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách trên địa bàn.

Chưa thuận tiện

Tuyến buýt đường sông số 1. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN.

Dự án đầu tư hai tuyến buýt vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn thành phố được thực hiện theo hình thức đối tác công tư, với tổng vốn đầu tư 128,47 tỷ đồng.

Cụ thể, hướng tuyến số 1 xuất phát từ Bạch Đằng (quận 1) – Linh Đông (quận Thủ Đức), chiều dài 10,8km. Lộ trình tuyến từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông tại vị trí giáp bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại.

Tại tuyến này, có 4 tàu buýt, mỗi tàu có sức chứa 75 chỗ ngồi, thực hiện việc đón trả khách 12 lượt/ngày, qua 5 bến: Bạch Đằng (quận 1), Bình An (quận 2); Thanh Đa (quận Bình Thạnh); Hiệp Bình Chánh và Linh Đông (quận Thủ Đức).

Bốn bến còn lại là Trung tâm Bình Triệu, Saigon Pearl, Tầm Vu, Thảo Điền (quận Bình Thạnh) hiện chưa được đưa vào khai thác.

Cũng theo kế hoạch của dự án, tuyến số 2 sẽ di chuyển từ Bạch Đằng – Lò Gốm (quận 6) có chiều dài 10,3km; lộ trình tuyến từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, quận 6 và ngược lại. Số lượng bến đón trả khách gồm 11 bến, qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 6, 8.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, quá trình vận hành tuyến buýt đường sông tuyến số 1 trong năm 2018 hoạt động theo đúng công suất khai thác.

Trung bình mỗi ngày, tuyến buýt số 1 phục vụ khoảng 785 lượt hành khách, mỗi lượt tàu chạy có khoảng 63/75 hành khách, chiếm khoảng 83%. Riêng trong các ngày cuối tuần, hành khách rất đông với khoảng 95% công suất khai thác.

Tuy vậy, số lượng hành khách sử dụng tuyến số 1 này là phương tiện đi lại thay cho đường bộ chỉ khoảng 25%, còn lại là khách du lịch, tham quan, ngắm cảnh sông nước là chính.

Anh Nguyễn Thành Trung, phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, công ty đang làm việc có trụ sở trên đường Lê Duẩn, quận 1, cách bến Bạch Đằng hơn 2 km.

Sau khi di chuyển bằng tàu, bản thân vẫn phải di chuyển thêm 1 phương tiện đường bộ nữa mới đến nơi làm việc nên khá mất thời gian và bất tiện. Với tâm lý chủ động, anh Trung vẫn ưu tiên lựa chọn di chuyển bằng xe máy.

Tương tự, bà Phạm Mỹ Hậu (60 tuổi, quận 2) cho biết, được con cháu giới thiệu về tuyến buýt sông đầu tiên của cả nước nên cũng tò mò và đã đi thử.

Qua trải nghiệm thực tế, bà Hậu cho rằng, cảnh quan xung quanh chưa thực sự hút khách. Thêm vào đó, các bến tàu chưa khai thác nhiều dịch vụ đi kèm như: ăn uống, nghỉ ngơi, chụp hình, bán quà lưu niệm…

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thường Nhật, đơn vị đầu tư hai tuyến vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, việc đưa mô hình tuyến buýt đường sông vào khai thác sẽ góp phần đáng kể phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Đồng thời, góp phần phát triển du lịch sông nước, khuyến khích tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng; hỗ trợ hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.

Dù vậy, ông Toản nhìn nhận, tuyến số 1 hiện hoạt động tương đối hiệu quả nhưng nếu sớm kết nối hết các bến còn lại với nhau sẽ thuận lợi hơn cho hành khách di chuyển cũng như tham quan.

Người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhất là di chuyển bằng tàu trên sông nên cần có thêm thời gian để người dân thay đổi thói quen.

Chưa hoàn chỉnh

Dù đã một năm đi vào hoạt động tuyến buýt đường sông số 1 nhưng tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8, đến nay vẫn chưa được triển khai.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố, hiện có hai dự án liên quan trực tiếp đến quá trình vận hành, khai thác tuyến buýt sông số 2 gồm: Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 2) và Dự án đầu tư Cống kiểm soát triều Bến Nghé. Các dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và năm 2021.

Vì vậy, tuyết buýt đường sông số 2 vẫn chờ các công trình này hoàn thành mới bắt đầu triển khai và đưa vào khai thác.

Ngoài ra, khu vực trung tâm Thành phố vẫn chưa có bến neo đậu, bảo dưỡng tập trung và khai thác các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải đường thủy.

Riêng bến Bạch Đằng (Ga tàu thủy Bạch Đằng), nhà đầu tư sẽ sử dụng bến do Thành phố quy hoạch và xây dựng tại khu Bạch Đằng để làm bến đón trả khách.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Cảng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nói đến giao thông công cộng mà chỉ có một tuyến thì rất khó phát triển.

Do vậy, Thành phố cần sớm triển khai thêm các tuyến buýt đường sông khác để có sự kết nối chặt chẽ hơn; đồng thời, cần tính toán kết nối hành khách từ nhà đến trạm, từ trạm đến nơi làm việc để tạo thuận lợi hơn.

Chia sẻ về thói quen của người dân, ông Trường bày tỏ, trong điều kiện lượng khách đi lại chưa nhiều cần có phương án kết hợp phát triển du lịch, đặc biệt là kết hợp truyền thông, quảng bá rộng rãi hơn nữa để người dân biết đến nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đơn vị đầu tư và Sở Du lịch thành phố cần phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, du lịch, quảng bá các khu du lịch dọc tuyến để hành khách có thêm nhiều lựa chọn khi tham gia hành trình. Hiện các điểm du lịch này còn đơn điệu.

Ngay cả các địa điểm trên tuyến như tên các nhà ga, tên các cây cầu… cũng cần có bảng tên phía dưới sông để hành khách đi tàu biết đang đi đến đâu./.

Bài 2: Kết hợp đồng bộ du lịch và vận chuyển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục