Du lịch và đầu tư hạ tầng là lực đẩy của kinh tế Thái Lan

10:01' - 09/08/2016
BNEWS Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi triển vọng kinh tế toàn cầu “ảm đạm” và nhu cầu sa sút đối với hàng hóa xuất khẩu.
Du lịch và đầu tư hạ tầng là lực đẩy của kinh tế Thái Lan. Ảnh: reuters

Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) Veerathai Santiprabhob vừa nhận định lượng khách du lịch đến nước này tăng cao kỷ lục cùng việc tăng chi tiêu công sẽ giúp bù đắp những tác động tiêu cực của nhu cầu nội địa còn yếu và tình hình toàn cầu không thuận lợi đối với nền kinh tế của “xứ sở chùa vàng”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây, ông Veerathai cho biết nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi triển vọng kinh tế toàn cầu “ảm đạm” và nhu cầu sa sút đối với hàng hóa xuất khẩu.
Theo Thống đốc Veerathai, du lịch được dự đoán là một trong số ít những điểm “sáng” của bức tranh kinh tế, và việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là “cú hích” đối với nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á này trong giai đoạn cuối năm.
BoT vẫn duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 1,5% kể từ lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 4/2015.

Hiện xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng BoT sẽ hạ lãi suất trong phiên họp chính sách ngày 14/9 tới do nhịp độ tăng trưởng kinh tế trì trệ và áp lực tăng giá đối với đồng baht.

Tuy nhiên, ông Veerathai nói ngân hàng có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, song nhận thấy đây chưa phải là thời điểm cần thiết để hạ lãi suất.
Trong khi đó, theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), đến 20h (giờ địa phương) ngày 7/8, đã có 94% số phiếu của cuộc trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp mới nước này được kiểm với kết quả 61,45% số phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 38,55% số phiếu phản đối dự thảo văn kiện.

Giới quan sát đánh giá mặc dù chưa thể đánh giá nền kinh tế Thái Lan sẽ được lợi gì từ sau sự kiện trên, việc cử tri bỏ phiếu nói “có” sẽ góp phần làm dịu bớt tình hình bất ổn chính trị, vốn đeo đẳng quốc gia này trong suốt 5 năm qua.

Sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy có đến hơn 60% cử tri Thái Lan ủng hộ dự thảo hiến pháp mới, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã bày tỏ cảm ơn người dân nước này, đồng thời cam kết chính phủ sẽ thực hiện đúng lộ trình chính trị đã đặt ra.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Thiếu tướng Sansern Kaewkamnerd nói cuộc trưng cầu ý dân vừa qua “rất minh bạch và công bằng”, cho thấy “mọi người dân Thái Lan đều muốn đất nước tiến lên phía trước”.

BoT ước tính nhịp độ tăng trưởng GDP của Thái Lan sẽ đạt 3,1% trong năm nay, với xuất khẩu giảm 2,5%.

Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế nước này ước tăng 2,5% trong năm nay.

Thái Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Năm ngoái, nền kinh tế nước này tăng trưởng 2,8% sau khi chỉ tăng 0,8% trong năm 2014 do tình hình bất ổn chính trị đẩy quốc gia này đến sát bờ vực suy thoái.

Vụ nổ bom tại thủ đô Bangkok vào tháng 8/2015 khiến 20 người thiệt mạng đã ảnh hưởng trực tiếp đến “ngành công nghiệp không khói” của nước này.

Tuy nhiên, Thái Lan vẫn đón gần 30 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm ngoái, với khách du lịch từ Trung Quốc ghi nhận mức tăng mạnh nhất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục