Dự thảo Luật Thương mại điện tử hướng đến môi trường bền vững và minh bạch

17:20' - 18/07/2025
BNEWS Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang được xây dựng với định hướng thúc đẩy thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững và bảo đảm trách nhiệm xã hội.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Thương mại điện tử không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và xuất khẩu mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế số, mở rộng cơ hội kinh doanh. Do đó, nhằm kiến tạo hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh mới, Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang được xây dựng với định hướng thúc đẩy thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững và bảo đảm trách nhiệm xã hội.

Theo định nghĩa mới được đưa ra trong dự thảo, thương mại điện tử xanh và bền vững là mô hình phát triển thương mại điện tử nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến kinh tế xanh và tuần hoàn. Không chỉ là xu thế toàn cầu mà còn là yêu cầu thiết thực để bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ tài nguyên.

Bởi vậy, Dự thảo Luật đã dành hẳn một điều khoản để định hướng cụ thể hành vi "kinh doanh sạch" trong thương mại điện tử. Vì thế, doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ Bộ hướng dẫn về thương mại điện tử xanh và bền vững, do Bộ Công Thương xây dựng, cập nhật định kỳ và công bố mức độ tuân thủ của từng nền tảng. Điều này tạo cơ sở chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động theo hướng sạch”, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

 

Tuy nhiên, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng: Doanh nghiệp cần chủ động tối ưu hóa quy trình hoạt động, áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, giảm thiểu tiêu hao tài nguyên và phát thải. Những giải pháp như sử dụng vật liệu tái chế trong đóng gói, tối ưu hóa hệ thống vận hành, chuyển đổi năng lượng xanh... là hành động cụ thể góp phần hiện thực hóa mục tiêu thương mại điện tử xanh.

Hơn nữa, dự thảo Luật cũng chủ trọng nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm pháp lý. Các nền tảng thương mại điện tử, nhất là những nền tảng trung gian, phải tuân thủ đầy đủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin mạng, chất lượng hàng hóa, thuế, quảng cáo và quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin về điều kiện giao dịch, sản phẩm, chủ thể kinh doanh... phải được công khai rõ ràng. Đặc biệt, dữ liệu về hoạt động giao dịch, kể cả livestream bán hàng cũng phải lưu trữ tối thiểu 3 năm.

Mới đây, tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật thương mại điện tử tổ chức mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đề xuất làm rõ khái niệm “đầy đủ”, hoặc thay thế bằng “dữ liệu cơ bản” để giảm gánh nặng dữ liệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các nền tảng còn có trách nhiệm kiểm soát nội dung vi phạm và xử lý nhanh chóng các hành vi sai trái, tối đa trong 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý. Cơ chế kiểm duyệt thông tin cũng được góp ý chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với định hướng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, việc ngăn chặn hành vi lừa đảo và thông tin sai sự thật trên các nền tảng thương mại điện tử là nội dung bắt buộc. Đại diện một số doanh nghiệp như Shopee cho rằng, các hành vi gian lận không chỉ cần cấm với người bán mà nên mở rộng đối tượng xử lý là cả chủ quản nền tảng và các bên liên quan để tạo nên môi trường công bằng, lành mạnh hơn trong kinh doanh số.

Theo các chuyên gia thương mại, Dự thảo Luật Thương mại điện tử quy định trách nhiệm của nền tảng xuyên biên giới, là vấn đề đang đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý và công bằng cạnh tranh. Theo đó, nền tảng thương mại điện tử không có hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động thực tế tại thị trường nội địa (dựa trên tiêu chí như sử dụng tên miền “.vn”, giao diện tiếng Việt hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch mỗi năm) sẽ buộc phải ủy quyền pháp nhân hoặc thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Pháp nhân này phải đủ năng lực tài chính, nhân sự và chịu trách nhiệm liên đới trong các trường hợp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thương mại điện tử đề xuất cần xem xét lại tính khả thi và công bằng trong quy định này.

Đại diện Shopee cho rằng, nền tảng xuyên biên giới cần được đánh giá, giám sát theo tiêu chuẩn tương tự như doanh nghiệp nội địa, tránh tình trạng “đánh thuế không đều tay” giữa các chủ thể kinh doanh. Một vướng mắc kỹ thuật khác cũng được phản ánh là quy định về hợp pháp hóa lãnh sự đối với người bán nước ngoài, vốn bị đánh giá là không phù hợp với thực tế hoạt động thương mại điện tử. Để khắc phục, các bên liên quan đề xuất chỉ cần hình thức xác thực tối thiểu và trao quyền xác minh linh hoạt hơn cho chủ nền tảng.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng làm rõ vai trò và trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán trung gian, chứng thực hợp đồng điện tử... Các tổ chức này phải báo cáo định kỳ và không được hợp tác với các nền tảng có hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Tài chính còn đề xuất nghiên cứu thành lập cổng thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới, cho phép kiểm soát tốt hơn dòng tiền trong các giao dịch thương mại số quốc tế.

Không dừng lại ở việc thiết lập khung pháp lý, vai trò kiến tạo của Nhà nước cũng được thể hiện rõ trong Dự thảo. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia; điều phối các nguồn tài chính, bao gồm cả Quỹ phát triển thương mại điện tử, để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận và phát triển thương mại điện tử xanh.

Đáng lưu ý, Nhà nước cũng chủ trương đầu tư mạnh vào hạ tầng số, logistics thương mại điện tử và hệ thống thanh toán điện tử; đồng thời khuyến khích các loại hình kinh doanh số mới như thương mại điện tử qua mạng xã hội, livestream thương mại… Đặc biệt, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cũng là một ưu tiên nhằm nâng cao năng lực thích ứng của nền kinh tế với sự thay đổi công nghệ và hành vi tiêu dùng.

Song song đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Trước thực trạng phổ biến hành vi quảng cáo sai lệch về sản phẩm so với thực tế khi giao hàng, dự thảo đã liệt kê rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trên nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, dự thảo đề cập đến việc cấm sử dụng thuật toán hoặc các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, ưu tiên hiển thị sản phẩm mà không công khai tiêu chí lựa chọn. Đồng thời, các nền tảng không được phép ngăn hiển thị hoặc hiển thị sai lệch phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng, trừ khi các đánh giá đó vi phạm pháp luật hoặc chuẩn mực đạo đức xã hội. Những quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch, giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin trung thực về sản phẩm và người bán.

Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu rõ ràng với từng mô hình nền tảng thương mại điện tử. Đối với nền tảng kinh doanh trực tiếp (website/ứng dụng của chính người bán), chủ quản phải công khai đầy đủ thông tin pháp lý, quy trình giao dịch, điều kiện đổi trả, bảo hành và toàn bộ nội dung bắt buộc trên nhãn sản phẩm. Giá cả, thuế và chi phí liên quan phải được thể hiện rõ ràng, đi kèm cơ chế xác nhận đồng ý trước khi giao dịch. Ngoài ra, nền tảng phải rà soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và gỡ bỏ thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Đối với nền tảng trung gian, trách nhiệm được tăng cường ở nhiều khâu. Chủ quản sàn phải xác thực điện tử danh tính người bán trong nước và hợp pháp hóa lãnh sự đối với người bán nước ngoài. Đáng chú ý, sàn phải kiểm duyệt nội dung thông tin sản phẩm do người bán tạo trước khi cho hiển thị, thay vì chỉ xử lý sau phản ánh. Vì vậy, việc kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ thông tin vi phạm cũng phải thực hiện kịp thời trong vòng 24 giờ. Sàn còn phải đảm bảo hiển thị đầy đủ, chính xác phản hồi của người tiêu dùng và xây dựng cơ chế kiểm soát việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân phối, đề xuất sản phẩm, đặc biệt với các nền tảng quy mô lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục