Đưa ngân hàng lưu động đến với đồng bào vùng xa

10:42' - 18/11/2018
BNEWS Con đường đến xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông dù đã được trải nhựa nhưng những chiếc xe ô tô vẫn phải oằn mình băng qua những ổ voi, ổ gà.
Mô hình ngân hàng lưu động giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN
Sau hơn 1 giờ đồng hồ ì ạch, xe chúng tôi cũng đến được điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đặt tại xã Quảng Sơn. 

Dù đường xá khó khăn, mỗi tuần đều đặn 2 ngày thứ 3 và thứ 5 các cán bộ của Agribank chi nhánh huyện Đắk Glong lại tạm xa phố huyện, lắc lư hàng giờ đồng hồ trên chiếc xe chuyên dụng miệt mài đến chuyển tiền, thu lãi giúp bà con vùng xa. 

Có mặt ở điểm giao dịch từ rất sớm, chị Thái Thị Vân ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông dường như rất hứng khởi chờ đến lượt để được chuyển tiền. Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình với mô hình mới này, chị Vân cười rất tươi và luôn miệng khen nó vô cùng thuận tiện. 

Xưởng thu mua, chế biến chanh leo của gia đình chị Vân mỗi ngày giao dịch qua tài khoản ngân hàng tới vài trăm triệu đồng. Mỗi lần chuyển tiền hoặc rút tiền chị Vân phải đi gần 40 km lên thị xã Gia Nghĩa, mất nguyên cả buổi. 

Với chị Vân những chuyến xe lưu động như thế này thực sự mang lại sự thuận tiện. "Có xe về giúp mọi người không còn phải đi xa như trước đây nữa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại", chị Vân cho hay. 

Chị Lê Thị Hồng ở xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong cũng hồ hởi chia sẻ, từ khi có xe lưu động của ngân hàng về đây ai cũng mừng vì sự thuận tiện, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức đi lại của bà con. 

Chị Hồng mở cửa hàng tạp hoá nhỏ tại nhà, chị vay thêm vốn từ Agribank để nhập hàng về bán. Khi chưa có điểm giao dịch lưu động, mỗi lần đi giao dịch với ngân hàng chị phải lên tận phòng giao dịch Agribank Đăk Glong mất 2 giờ đồng hồ đi bằng xe máy. Chưa hết, đường đi lại khó khăn, vắng vẻ nên mỗi lần giao dịch chị phải sắp xếp công việc, tạm thời đóng cửa hàng của mình. 

"Cầm theo khoản tiền lớn lại đi xa nên tôi rất không yên tâm, đa phần đều phải đi cùng chồng. Tuy nhiên như vậy rất mất công và cực thân. Nay có điểm giao dịch gần nhà thế này tôi thấy rất tiện lợi. Giờ một tuần chỉ có 2 buổi giao dịch, giá mà tăng thêm 5 buổi thì chúng tôi càng vui hơn", chị Hồng tươi cười nói. 

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó giám đốc Agribank chi nhánh huyện Đăk Glong cho biết, xã Quảng Sơn cách trung tâm huyện khoảng 60 km, từ khi có xe lưu động về đây bà con rất phấn khởi. Các cán bộ của Agribank cũng vui lây dù mỗi lần di chuyển vất vả, làm việc muộn. Có những ngày đã chạng vạng tối, cả nhóm chuẩn bị về thì khách hàng lại đến. 

"Khi ấy chúng tôi không còn cách nào khác là tiếp tục phục vụ bà con. Bởi nếu không họ phải chờ thêm vài ngày nữa hoặc phải đi xa. Mình đành chịu khó thêm chút để bà con đỡ vất vả", ông Thành chia sẻ. 

Tại nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận lợi, việc xây dựng một phòng giao dịch ngân hàng là hết sức khó khăn, chi phí tốn kém. Được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã tổ chức triển khai thí điểm Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đợt 1 giai đoạn 1 từ đầu năm 2018. 

Tính đến 30/9/2018, có 30 chi nhánh triển khai thí điểm Điểm giao dịch bằng xe ô tô chuyên dùng đợt 1 đã tổ chức 1.803 phiên giao dịch, phục vụ hơn 196.000 lượt khách hàng tại địa bàn 229 xã trên cả nước. 

Trung bình 1 phiên, điểm giao dịch phục vụ cho 109 khách hàng; thực hiện giải ngân hơn 884 tỷ đồng, thu nợ gốc – lãi hơn 760 tỷ đồng, huy động tiết kiệm hơn 209 tỷ đồng; dịch vụ chuyển tiền hơn 545 tỷ đồng với trên 12.576 khách hàng; phục vụ các dịch vụ tiện ích ngân hàng khác cho 20.454 khách hàng. 

Agribank đang triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đợt 2 giai đoạn I, trang bị thêm 38 xe ô tô phục vụ khách hàng địa bàn nông thôn các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. 

Lãnh đạo Agribank cho biết, thông qua điểm giao dịch lưu động giúp Agribank tăng cường các điểm giao dịch tại vùng sâu, vùng xa, giảm áp lực và tăng năng suất lao động của cán bộ. Từ đó tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, góp phần chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến khách hàng và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. 

Theo tính toán của Agribank, việc giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng không làm tăng số lượng lao động của đơn vị mà chỉ thực hiện sắp xếp lại lao động. 

Ông Nguyễn Đức Thành phân tích, thay vì việc cán bộ ngồi giao dịch tại trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch thì cán bộ sẽ luân phiên tham gia tổ giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng đi xuống địa bàn đã được xác định trước, nhằm giảm thiểu khách hàng ở xa phải đến trụ sở chi nhánh giao dịch. 

Theo thống kê của Agribank, khu vực Tây Nguyên bình quân 18 xã có 1 phòng giao dịch; khu vực Trung du miền núi phía Bắc bình quân 15 xã có 1 phòng giao dịch. Có những địa bàn khoảng cách từ xã xa nhất đến phòng giao dịch là trên 60 km. 

Bên cạnh đó, bình quân một cán bộ tín dụng quản lý từ 800-1.000 hộ vay vốn trong điều kiện địa bàn đi lại vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, để duy trì và tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn là vấn đề không đơn giản. 

Mặt khác, với hơn 10 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong khi nhu cầu vay vốn, tiết kiệm và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của người dân ở khu vực nông thôn ngày càng tăng, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank tại các địa bàn này sẽ khó đáp ứng được hết nhu cầu giao dịch cũng như thuận tiện cho người dân, nhất là những vùng điều kiện đi lại khó khăn. 

Chia tay chúng tôi, chị Lê Thị Hồng nói nhỏ: "Có xe lưu động về đây thế này bà con chúng tôi khoẻ nhưng lại cực cho các cán bộ tín dụng. Chúng tôi vẫn mong có 1 phòng giao dịch tại đây!"./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục