Đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động năm 2022

20:11' - 23/07/2021
BNEWS Ngày 23/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Sau khi khảo sát tại hiện trường nhà máy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tổng thầu, Tư vấn, các đơn vị thi công.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được xác định là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình, có vai trò quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

Trong quá trình triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có những sai phạm đã được các cơ quan chức năng kết luận, xử lý theo đúng quy định và cũng đã xác định được biện pháp khắc phục đối với Dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian qua, việc triển khai dự án nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành. Gần đây nhất, ngày 15/7/2021, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp xem xét giải quyết những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài để sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

* Giải quyết các khó khăn

Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tiến độ tổng thể dự án đạt 86,8%, trong đó: thiết kế đạt 99,9%; mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo đạt 94,4%; thi công đạt 84,2%; chạy thử đạt 13%.

Về công tác thi công, khối lượng còn lại chủ yếu bao gồm công tác hoàn thiện, hệ thống vận chuyển than, kho than, đường ống thải xỉ, bãi thải xỉ, các gói thầu phục vụ chạy thử, quan trắc môi trường trực tuyến. Ban Quản lý dự án phấn đấu phát điện thương mại tổ máy 1 vào ngày 30/11/2022 và phát điện thương mại tổ máy 2 sau đó một tháng.

Các công việc chạy thử đang được triển khai, tuy nhiên công tác huy động chuyên gia từ nhà sản xuất chậm so với kế hoạch do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, do thiết bị đã được lắp đặt trong thời gian dài, mặc dù đã được nỗ lực bảo quản nhưng trước khi chạy thử vẫn cần phải kiểm tra, bảo dưỡng lại.

Công tác bảo dưỡng nói trên sẽ ảnh hưởng tiến độ và phát sinh chi phí; đặc biệt trong trường hợp sẽ phải thay thế.

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định quyết tâm đưa cả hai tổ máy của nhà máy vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Về nguồn lực, PVN sẽ nỗ lực có thể bảo đảm để triển khai dự án, sẽ có các cơ chế hỗ trợ tổng thầu.

Ông Bob Hutchison (Công ty Fichner, đơn vị tư vấn quản lý dự án) nhìn nhận, với sự ủng hộ của Chính phủ, của PVN, dự án sẽ đạt được tiến độ nêu trên, mọi khó khăn trên công trường hoàn toàn có thể xử lý được.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, phải giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho ban quản lý dự án, nếu cá nhân, nhà thầu nào không đủ năng lực thì thay ngay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý tỷ lệ chạy thử của dự án mới đạt 13% là thấp, cần đẩy nhanh hơn nữa.

Dự án không thể chậm tiến độ thêm nữa

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, những vấn đề lớn đối với dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết tại cuộc họp ngày 15/7 vừa qua. Cuộc làm việc hôm nay là nhằm đôn đốc triển khai dự án đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, các việc cũ liên quan sai phạm thì đã giao các cơ quan kết luận, làm rõ. Việc cần làm là tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành đưa dự án vào vận hành trong năm 2022.

Đánh giá cao tinh thần, nỗ lực của PVN, Phó Thủ tướng đề nghị phải tiếp tục đổi mới, phát huy tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Phó Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, nếu dự án chỉ chậm 1 ngày thì thiệt hại cũng rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu trong thời gian tới phải tập trung nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, PVN, Ban quản lý dự án, tổng thầu và từng nhà thầu trên công trường để đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy vào vận hành, khai thác an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế.

Cho rằng giữa Ban quản lý dự án và Tổng thầu còn một số vấn đề chưa thống nhất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không có đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, hành động thì không thể thành công.

Phải xốc lại tinh thần hành động, thống nhất quan điểm từ lãnh đạo tập đoàn, đến ban quản lý dự án, tổng thầu. Ai cố tình cản trở quá trình hoàn thành dự án thì người đó phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý nghiêm”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm kết luận của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo về việc sử dụng vốn chủ sở hữu để tiếp tục triển khai dự án.

PVN, Ban Quản lý dự án, tổng thầu PVC khẩn trương triển khai, cụ thể hóa các kết luận trên thực tế công trường như rà soát tất cả các chi phí để hoàn thành dự án từ khâu xây dựng, lắp đặt, đến chạy thử để bố trí đủ nguồn vốn bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; thanh toán các khoản nợ đọng, hoàn thành bộ máy quản lý dự án, chỉ huy công trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần với các nhà thầu, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh để công trường hoạt động bình thường, hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần rà soát, xác định tiến độ từng công việc, gồm xây dựng, lắp máy, kho than, vật tư, hệ thống băng tải… và định kỳ báo cáo kết quả triển khai về Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia các công trình trọng điểm điện lực để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ định kỳ giao ban hằng tháng để xử lý các vướng mắc đối với các dự án trọng điểm, trong đó có dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bên cạnh đó, cần rà soát năng lực nhà thầu; kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu năng lực, vi phạm quy định và cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức quản lý dự án.

Dự án không thể chậm tiến độ thêm nữa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục