Đưa quản lý hóa chất vào nếp

07:02' - 11/07/2016
BNEWS Với đặc tính nguy hiểm, mặt hàng hóa chất đã được quy định, quản lý rất chặt chẽ, đặc biệt là với các hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp.
Bắt quả tang cơ sở đang sản xuất trà phun xịt toàn hóa chất hương liệu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Hóa chất là một loại hàng hóa đặc biệt và mang những đặc tính rất riêng biệt. Nhiều mặt hàng hóa chất có thể gây ăn mòn, cháy nổ hoặc gây độc cấp tính, mãn tính với con người và các môi trường thứ sinh.

Có thể nói, hóa chất đang tồn tại và hiện diện ở tất cả các mặt của cuộc sống. Với đặc tính nguy hiểm như vậy, mặt hàng hóa chất đã được quy định, quản lý rất chặt chẽ, đặc biệt là với các hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp.

Theo đánh giá, với sản xuất, kinh doanh hóa chất hiện nay, để phát triển công nghiệp lớn mạnh, hóa chất là một trong những nguyên liệu không thể thiếu.

Các nước càng phát triển công nghiệp thì chủng loại và lượng hóa chất sử dụng càng lớn. Trong những năm qua, việc sản xuất và kinh doanh, nhập khẩu hóa chất ở Việt Nam phát triển nhanh, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp của đất nước.

Với đặc tính hóa chất, Việt Nam đã có các quy định pháp luật, các Luật, Nghị định, Thông tư, các quy chuẩn đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất.

Hệ thống các quy định này cũng tương đối chặt chẽ để quản lý hóa chất, tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình kinh doanh, sản xuất sử dụng hóa chất không theo đúng quy định về đảm bảo an toàn.

Trong việc quản lý kinh doanh, sản xuất và sử dụng hóa chất, khó khăn nhất chính là nhận thức và sự tuân thủ quy định pháp luật của các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân.

Rõ ràng, từ sau khi Luật Hóa chất ra đời, đến nay là gần 10 năm thì các quy định này bao gồm các hành vi liên quan đến hóa chất đã dần dần hoàn thiện, song nhận thức của người kinh doanh, sản xuất thì lại đi chậm hơn.

Trong thời gian qua, rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần các biện pháp quản lý mặt hàng này tốt hơn nữa; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm các quy định của nhà nước về quản lý hóa chất.

Việt Nam đã có hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương được phân công, phân cấp và các tổ chức xã hội khác về thực thi các yêu cầu quản lý hóa chất của doanh nghiệp.

Ở Trung ương có nhiều bộ ngành quản lý hóa chất như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải. Còn tại địa phương, có các phòng quản lý chuyên môn.

Hiện nay, theo đánh giá, việc quản lý được phân cấp tương đối tốt và khá đồng bộ. Tuy nhiên, công tác quản lý hóa chất vẫn chưa thực sự đi vào nền nếp, do nguồn nhân lực còn thiếu, kỹ năng cán bộ còn yếu, trong khi các cơ quan tư vấn giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật về hóa chất còn chưa mạnh…

Sắp tới, với những kiểm tra, thanh tra, kiểm soát mạnh hơn, sát sao hơn từ Trung ương đến địa phương thì doanh nghiệp sẽ không chỉ tăng tính tự giác trong kinh doanh, sản xuất mà sẽ còn có trách nhiệm hiểu quản lý hóa chất như thế nào ở cơ sở và tuân thủ pháp luật.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn thì chúng ta có hệ thống hướng dẫn các quy định văn bản pháp luật. Văn bản nào ra đời cũng đều được các cơ quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thứctập trung phổ biến, thống nhất trao đổi giữa trung ương và doanh nghiệp.

Với trách nhiệm của Bộ Công Thương, để hoàn chỉnh quy định pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh phát triển nhanh và nóng của ngành hóa chất thì việc các hành vi mới phải được cập nhật vào hệ thống pháp luật; trong đó, phải quan tâm các chế tài xử phạt.

Đây là việc đầu tiên, cần tập trung đến các quy định và chế tài xử phạt vi phạm.

Tiếp theo là trách nhiệm về quản lý hóa chất cũng cần được tăng cường từ Trung ương đến địa phương đảm bảo về số lượng cũng như kỹ năng quản lý.

Sau đó là sự phối hợp quản lý giữa Trung ương và địa phương để có hiệu quả tốt nhất; trong đó quy định cụ thể mặt nào địa phương quản lý, mặt nào Trung ương quản lý và sự phối hợp với nhau như thế nào.

Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho các tổ chức cá nhân, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, để họ hiểu và thực thi tốt hơn.

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, nhất là trong thời điểm này vì nếu không có thanh kiểm tra và chế tài đủ mạnh, công tác quản lý nhà nước sẽ không có hiệu lực.

Hóa chất là mặt hàng quản lý đòi hỏi tính kỹ thuật và trong bối cảnh hội nhập cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật, không chỉ trong nước mà còn rất nhiều các công ước quốc tế về quản lý hóa chất.

Như vậy, Việt Nam cũng cần tận dụng sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển trong cách tiếp cận quản lý hóa chất làm sao cho tối ưu nhất

Ngoài ra, cần thiết hơn là phải tập trung vào quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, kinh doanh hóa chất.

Chính vì nhỏ và vừa nên điều kiện tiếp cận các quy định của pháp luật của các đơn vị này yếu. Do vậy, sắp tới Bộ Công Thương sẽ có các chương trình liên quan đến tăng cường hỗ trợ, phổ biến các quy định pháp luật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hộ gia đình bán hóa chất ở khu vực thành phố để họ hiểu và tuân thủ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục