Đưa sản phẩm truyền thống vào siêu thị

19:55' - 09/11/2024
BNEWS Chương trình kết nối giữa các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống của Cố đô Huế với siêu thị ở thị trường tiêu dùng rộng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Thừa Thiên – Huế được biết đến là mảnh đất có nhiều sản vật nổi tiếng gắn với cung đình xưa cũng như những món ăn dân dã đã trở thành thương hiệu của vùng đất di sản này. Những năm gần đây, nhiều sản phẩm đã được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng dây chuyền máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nhờ làm tốt việc xúc tiến, quảng bá, sản phẩm truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều ở hệ thống siêu thị.

 

Đầu tháng 11/2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã tổ chức chương trình kết nối, xúc tiến thương mại cho nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương để đưa vào hệ thống siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các mặt hàng nổi bật trong đợt xúc tiến đợt này bao gồm: trà cung đình; các loại tinh dầu tự nhiên; nhiều sản phẩm đóng gói ăn liền như bánh canh cá lóc, bánh canh cá rô, bún hào nghệ; những gia vị nấu bún bò chuẩn vị Huế. Cùng đó là sản phẩm đồ khô, mặt hàng thủy sản tươi sống cấp đông từ vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, nước mắm Lagoon ở cảng biển Thuận An…; trong đó, có nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 – 5 sao của địa phương.

Đại diện lãnh đạo siêu thị KingFood Mart chia sẻ, sản phẩm thực phẩm truyền thống của vùng đất cố đô Huế rất phong phú và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Để các sản phẩm này được đưa vào hệ thống siêu thị, trước hết phải nằm trong quy hoạch danh mục sản phẩm kinh doanh của từng siêu thị; sản phẩm phải đạt chất lượng và giá hợp lý so sánh với sản phẩm tương tự trên thị trường; đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng đầu vào như điều kiện nhà xưởng, hồ sơ sản xuất, hồ sơ sản phẩm…

Là một trong những mặt hàng quà lưu niệm thuộc lĩnh vực đồ uống nổi tiếng của xứ Huế, Cơ sở sản xuất Trà Cung đình Huế Đức Phượng mỗi tháng đưa ra thị trường 10 tấn trà các loại. Sau nhiều năm hoàn thiện quy trình sản xuất, hiện Cơ sở sản xuất Trà Cung đình Huế Đức Phượng đã được cấp giấy chứng nhận HACCP và sản phẩm đã có mặt tại siêu thị Co.opmart và BigC ở Thành phố Hồ Chí Minh với doanh thu bán hàng năm 2023 đạt 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ cơ sở sản xuất Trà Cung đình Huế Đức Phượng chia sẻ, bên cạnh kênh bán hàng tại thành phố Huế cho khách du lịch, đơn vị luôn chú trọng việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị ở những thành phố lớn nhằm khẳng định thương hiệu, tạo vị thế vững chắc đối với người tiêu dùng để dù ở xa nhưng vẫn dễ dàng có thể mua được sản phẩm chất lượng. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có cơ hội tìm được những kênh phân phối uy tín, để mở rộng thị trường hơn nữa.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, chương trình kết nối, xúc tiến thương mại giữa các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống của Cố đô Huế với siêu thị ở thị trường tiêu dùng rộng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Dự kiến đến cuối năm 2024, sẽ kết nối thêm từ 10 - 15 sản phẩm tiêu biểu vào hệ thống siêu thị KingFood Mart. Thông qua chương trình này, đơn vị sản xuất sản phẩm đặc sản của địa phương và đơn vị phân phối đã có sự trao đổi trực tiếp, qua đó hiểu hơn về xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Từ đó có những điều chỉnh hợp lý, đáp ứng các tiêu chí cụ thể.

Thời gian tới, đơn vị xây dựng Chương trình xúc tiến, kết nối thương mại các sản phẩm nông sản, thuỷ sản đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2025-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, tạo sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 76 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.

Giai đoạn tới, địa phương chú trọng huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, khích lệ chủ thể tham gia đánh giá phân hạng OCOP; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, có thế mạnh để xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao, sản phẩm du lịch cộng đồng…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục