Đức kêu gọi thực hiện kế hoạch "kéo phanh khẩn cấp" để chống dịch COVID-19

09:55' - 01/04/2021
BNEWS Thủ hiến bang Bayern và Thủ hiến bang Baden-Württemberg đã kêu gọi thực hiện một chính sách nghiêm ngặt chống đại dịch COVID-19 với việc thực hiện nhất quán kế hoạch "kéo phanh khẩn cấp".

Trong một lá thư chung gửi những người đồng cấp 14 bang của Đức, Thủ hiến bang Bayern Markus Söder và Thủ hiến bang Baden-Württemberg Winfried Kretschmann đã kêu gọi thực hiện một chính sách nghiêm ngặt chống đại dịch COVID-19 với việc thực hiện nhất quán kế hoạch "kéo phanh khẩn cấp" tại các điểm nóng về dịch, trong đó có áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bức thư chung đề ngày 31/3, Thủ hiến Söder và Thủ hiến Kretschmann nêu rõ: “Làn sóng thứ ba đã bùng phát dữ dội trên khắp cả nước trong vài tuần qua. Tình hình nghiêm trọng hơn nhiều người nghĩ, do vậy, chúng ta phải có trách nhiệm ngay và không thể thảo luận thêm nữa. Virus không buông tha cho sự chậm trễ. Mỗi ngày chờ đợi thêm đồng nghĩa là hàng nghìn ca nhiễm mới theo cấp số nhân trên khắp cả nước".

Hai ông nhấn mạnh tất cả các công cụ có thể sử dụng để chống COVID-19 đều đã có và điều cần làm là những quyết định chung, phải được thực hiện trên tinh thần thống nhất, thực hiện "phanh khẩn cấp" một cách nhất quán.

Các biện pháp bao gồm hạn chế đi lại vào ban đêm (giới nghiêm) và các hạn chế tiếp xúc thích hợp nếu tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân ở mức trên 100, cũng như các yêu cầu nhất quán về việc đeo khẩu trang FFP2 và tiến hành các xét nghiệm.

Trong thời gian sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, thủ hiến Bayern và Baden-Württemberg kêu gọi các bang thực hiện thống nhất các quy định đối với trường học, nhất là việc tiến hành xét nghiệm bắt buộc.

Học sinh không có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không được tham gia các lớp học trực tiếp ở trường, điều đặc biệt quan trọng bởi biến thể phát hiện ở Anh hiện đang lây lan mạnh trong học sinh và sau đó sẽ lây cho các gia đình học sinh.

Bức thư nêu trên được đưa ra trong bối cảnh 16 bang ở Đức có những biện pháp chống COVID-19 không đồng nhất dù một nghị quyết đã được chính quyền trung ương và các địa phương thống nhất trước đó.

Cùng ngày 31/3, chính quyền bang Hamburg đã thông qua quyết định áp đặt giới nghiêm vào ban đêm, theo đó bắt đầu từ Thứ Sáu tuần Thánh (ngày 2/4, là ngày Thứ Sáu trước lễ Phục sinh) sẽ áp đặt giới nghiêm từ 21h đêm đến 5h sáng và nếu không có lý do đặc biệt sẽ không được rời khỏi nhà trong thời gian này.

Ngoài ra, Hamburg cũng duy trì xen kẽ việc học ở trường và ở nhà cũng như tiến hành xét nghiệm bắt buộc với giáo viên và học sinh.

Trong khi đó, bang Thüringen, nơi hiện có chỉ số lây nhiễm ở mức 242 - mức cao nhất trong số 16 bang, lại thông qua quyết định một mặt siết chặt việc tiếp xúc, song cũng cho phép các vườn thú, vườn thực vật và công viên được mở cửa theo một số điều kiện.

Các dịch vụ mà nhân viên và khách hàng ở khoảng cách gần không bị cấm, song khách hàng phải có kết quả âm tính nếu phải tháo khẩu trang.

Theo thông báo của các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận có thêm 20.356 ca nhiễm mới và 226 ca tử vong, tỷ lệ nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân là 134,2.

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng lan rộng ở Đức, với tỷ lệ lây nhiễm trong tổng số ca nhiễm mới chiếm sít soát 90%.

Trong số này, biến thể phát hiện ở Anh lây lan mạnh nhất, chiếm khoảng 88% số ca lây nhiễm mới và hiện là biến thể phổ biến nhất ở Đức, trong khi tỷ lệ xuất hiện biến thể ở Nam Phi lại giảm nhẹ trong tổng số ca nhiễm.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng ở Đức, nhà virus học Christian Drosten thuộc bệnh viện Charité ở Berlin kêu gọi cần có biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn.

Theo ông, tình hình hiện tại đang "rất nghiêm trọng và phức tạp", và nếu không có một đợt phong tỏa nghiêm ngặt thì sẽ không chặn được đà lây nhiễm hiện nay.

Liên quan tình hình vaccine ở Đức, công ty công nghệ sinh học Curevac cho biết vaccine của công ty có trụ sở ở Tübingen này sẽ được tung ra thị trường vào đầu tháng 6 tới.

Curevac bày tỏ hy vọng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sớm phê chuẩn vaccine Curevac để việc tiêm chủng loại vaccine này có thể bắt đầu sau hai tháng nữa.

Ủy viên về vaccine của Chính phủ liên bang Đức Christoph Krupp trước đó cũng bày tỏ kỳ vọng có thể triển khai tiêm phòng vaccine Curevac vào nửa cuối năm nay.

Sau Pfizer/Biontech, vaccine Curevac là loại vaccine thứ hai được sản xuất tại Đức và cũng là dược phẩm được bào chế theo công nghệ mRNA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục