"Đục nước béo cò" từ việc dồn điền đổi thửa

21:24' - 25/06/2017
BNEWS Có nhiều hộ khi chưa chia ruộng thì chỉ có 2 mảnh, nhưng chia xong lại có tới 4 - 5 mảnh. Như hộ anh Sen có 2,8 sào xin về một nơi cho gọn nhưng không được, chỗ 2,5 sào, một chỗ 0,3 sào.
Việc dồn ruộng đổi thửa là để chỉnh trang đồng ruộng, tạo thuận lợi cho canh tác theo hướng giảm tình trạng manh mún. Ảnh minh họa: Phương Hoa - TTXVN

Chia ruộng không công bằng, có biểu hiện ưu ái người nhà cán bộ để trục lợi ruộng đất theo nhóm, cá nhân... là những việc làm khuất tất tại thôn An Tào, xã Cương Chính (Tiên Lữ - Hưng Yên) đang gây bất bình trong dư luận nhân dân.

Hiện đã bước vào vụ thu hoạch lúa xuân, nhưng trên cánh đồng thôn An Tào vẫn còn gần 30 mẫu ruộng bỏ hoang để cỏ mọc xanh um. Người dân bức xúc cho biết, nguyên nhân là do Tiểu ban dồn thửa đổi ruộng của thôn không chia ruộng cho dân dứt điểm, đang chia thì dừng lại.

Vậy nên bà con không có ruộng để gieo cấy, dù ruộng để không vừa gây lãng phí đất, vừa mất một vụ lúa tính sơ cũng hơn 50 tấn thóc. Mặt khác, một số diện tích đất công điền thừa cũng không được giao cho dân.

Vụ việc xảy ra từ tháng 2 là thời điểm gieo cấy lúa xuân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Vũ Đình Chuyện và nhiều bà con thôn An Tào gay gắt: "Chúng tôi không đồng tình với việc chia ruộng của thôn. Cán bộ thôn làm sai phương án dồn thửa đổi ruộng, lợi dụng việc này để rũ tung ruộng ra, chia ruộng không công bằng, không tổ chức họp dân. Cán bộ và người nhà cán bộ thôn thì không phải bốc thăm, gắp phiếu mà thích đâu lấy đó."

Theo phương án dồn thửa đổi ruộng của xã Cương Chính, toàn thôn An Tào có 1.250 hộ sản xuất nông nghiệp với hơn 3.600 định suất, sau trừ đất làm đường, hệ thống thủy lợi, bình quân mỗi định suất được chia 486 m2 ruộng. Tuy nhiên, hiện thôn có tới 56 hộ, trong đó có nhiều hộ là cán bộ, người nhà cán bộ thôn, tiểu ban dồn thửa đổi ruộng thôn được giao thừa ruộng so với thực tế, có hộ thừa hàng nghìn m2.

Cụ thể như hộ ông Vũ Đình Thượng, Bí thư chi bộ 4 thừa 1.825 m2; ông Vũ Đình Biển thừa 3.052 m2, Vũ Đình Thược thừa 2.091m2, ông Vũ Gia Xuyến, bà Vũ Thị Thoan mỗi hộ thừa 1.000 m2; ông Lê Đăng Sức thừa 1.978 m2 ruộng canh tác…

Bà Vũ Thị Ngát và nhiều người dân thôn An Tào bức xúc cho biết: "Nhiều hộ còn khai khống nhân khẩu, như hộ ông Yên nhà có 7 khẩu thì thôn lại chia cho 10 khẩu, trong khi đó có nhiều nhà lại không được chia đủ ruộng theo quy định. Bên cạnh đó, 30 mẫu đất công điền của thôn hiện cũng không biết đi đâu mà không còn".

Theo ông Vũ Đình Diện, một hộ dân trong thôn: "Việc dồn ruộng đổi thửa là để chỉnh trang đồng ruộng, tạo thuận lợi cho canh tác theo hướng giảm tình trạng manh mún, tạo ra cánh đồng mẫu lớn theo chủ trương của trên. Nhưng cán bộ thôn An Tào khi chia lại làm ngược lại.

Có nhiều hộ khi chưa chia ruộng thì chỉ có 2 mảnh, nhưng chia xong lại có tới 4 - 5 mảnh. Như hộ anh Sen có 2,8 sào xin về một nơi cho gọn nhưng không được, chỗ 2,5 sào, một chỗ 0,3 sào. Trong khi có hộ là người nhà cán bộ thì muốn áp bao nhiêu cũng được."

Trao đổi với ông Trần Văn Diệp - Chủ tịch UBND xã Cương Chính về việc có hay không việc cán bộ thôn An Tào làm trái quy định và phương án của xã lợi dụng việc dồn thửa đổi ruộng để trục lợi cá nhân, ông Diệp cho biết, khi tiến hành việc này, xã lập phương án giao cho các thôn, cử cán bộ trực tiếp phụ trách từng thôn, tại An Tào cán bộ thôn thực hiện chưa đúng quy định, song người phụ trách địa bàn không báo cáo kịp thời cho xã vào cuộc để giải quyết vướng mắc.

Về hướng giải quyết, ông Diệp cho biết: "Chúng tôi sẽ thu ruộng của những hộ thừa, giao cho những hộ thiếu ruộng ngay trong vụ mùa này và trực tiếp chia lại ruộng cho dân sau khi thu hoạch vụ mùa, còn cán bộ ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân."

Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy Hưng Yên về dồn thửa đổi ruộng là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với chủ trương đúng đắn lẽ ra địa phương phải đặt lợi ích của người dân lên trước, phải có sự minh bạch, công bằng, nhưng cán bộ ở thôn An Tào lại lợi dụng để làm sai, trục lợi ruộng đất gây bức xúc trong nhân dân.

Bà con thôn An Tào đang rất trông chờ vào sự nghiêm túc của chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của cấp trên trong việc xem xét, xử lý để ổn định tình hình tại địa phương. Không riêng ở thôn An Tào, thời gian qua dấu hiệu trục lợi từ việc dồn ruộng đổi thửa diễn ra tại không ít địa phương ở các huyện Ân Thị, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Kim Động, Tiên Lữ... dẫn đến nhiều cán bộ thôn sai phạm đã bị xử lý kỷ luật.

Để khắc phục tồn tại này, tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai công tác dồn điền đổi thửa phải coi trọng yếu tố minh bạch, dân chủ theo hướng "dân biết, dân bàn, dân giám sát", tạo sự đồng thuận trong nhân dân./.

>>> Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nhờ dồn điền, đổi thửa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục