Được giá, mất mùa dừa tại Bến Tre - Bài 2 : Doanh nghiệp chế biến gặp khó

16:22' - 12/06/2017
BNEWS Năm 2016, các doanh nghiệp chế biến dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đưa vào chế biến khoảng gần 500 triệu trái, tương đương trên 98% sản lượng dừa khô trái của tỉnh.

Thế nhưng, cuối năm 2016, ở Bến Tre có doanh nghiệp phải nhập khẩu dừa từ Indonesia về chế biến. Hiện nay, do ảnh hưởng của hạn mặn từ năm 2016 nên năng suất dừa giảm, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng do khan hiếm nguyên liệu dừa khô dùng trong chế biến sản phẩm từ dừa.

Một số doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã giảm công suất hoạt động của công ty vì thiếu nguyên liệu dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (Công ty chế biến dừa Cửu Long) sản xuất các sản phẩm từ dừa từ năm 2000, đến nay đã 17 năm, nguyên liệu để sản xuất là nước dừa lấy từ các công ty chế biến cơm dừa nạo sấy và các công ty ép dầu.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mặn từ năm 2016 nên dừa giảm năng suất, bị “treo” không có trái. Hậu quả là từ cuối năm 2016 kéo dài cho đến hôm nay dừa trái dùng làm nguyên liệu chế biến khan hiếm. Đây là điều làm cho doanh nghiệp sản xuất rất lo lắng.

Theo bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, khi các công ty chế biến cơm dừa nạo sấy và các công ty ép dầu khan hiếm về nguyên liệu, không có dừa để sản xuất thì công ty không có nước dừa để làm. Tình trạng thiếu nguyên liệu này hầu như xảy ra thường xuyên và thời gian gần đây, việc thiếu nguyên liệu càng càng nhiều.

Dừa nguyên liệu chế biến cơm dừa nạo xấy. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Mặt khác, các doanh nghiệp trong tỉnh lại còn chịu sự cạnh tranh của các thương lái Trung Quốc, Thái Lan đến địa phương thu mua dừa, cạnh tranh về giá cả nguyên liệu. Dự đoán, khả năng tương lai nguyên liệu dừa cũng tiếp tục thiếu.

"Ngoài ra, dừa trái không thể mua dự trữ 3-4 tháng sản xuất và điều đó gây khó cho các nhà sản xuất. Nhiều khi nông dân trách doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp không có mức giá cố định cho nông dân. Nhưng doanh nghiệp không thể mua nguyên liệu dự trữ được nếu sản xuất chưa biết đầu ra như thế nào. Đây là bài toán rất khó giải quyết. Đó là lý do mà hay có câu được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá”, bà Hồng lý giải.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Công ty Kỹ thuật dừa Bến Tre cho biết: "Trước Tết nguyên liệu dừa còn tương đối nhưng từ Tết đến nay, nguyên liệu dừa khan hiếm rất nhiều, trầm trọng, ảnh hưởng đến việc làm của anh em công nhân do nhà máy chỉ sản xuất một ca.

Trước đây, nhà máy sản xuất 2 ca/20 giờ nhưng hiện tại, nguyên liệu chỉ đủ nhà máy hoạt động trong 10 giờ. Hiện nay, một ca nghỉ nên anh em công nhân luân phiên thay nhau làm một ngày nghỉ một ngày".

Dừa nguyên liệu chế biến cơm dừa nạo xấy. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Năng suất giảm nên nguyên liệu của nhà cung cấp cung cấp cho công ty giảm theo. Với sự cạnh tranh về hàng dừa trái, thương lái bán cho các nguồn khác như: xuất khẩu sang Trung Quốc, bán cho Thái Lan… lượng dừa còn lại ít hoặc là dừa dạt (dừa xấu) ảnh hưởng đến chất lượng và nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu không có để chế biến nên khách hàng yêu cầu sản phẩm, công ty không đủ đáp ứng.

Hiện tại, các công ty chế biến dừa ở Bến Tre đã tìm mọi cách duy trì hoạt động tối thiểu của công ty. Hướng trước mắt của các công ty chế biến dừa ở Bến Tre là vẫn tiếp tục chấp nhận mua dừa khô với mức giá cao để duy trì hoạt động của công ty hoặc giảm thời gian, công suất chế biến, hạn chế ký hợp đồng với đối tác.

Bà Trương Thị Cẩm Hồng cho rằng nhà nước nên có chính sách bảo hộ ngành dừa; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu dừa thô hoặc có rào cản về kỹ thuật hoặc về thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương tồn tại được.

“Khi nguyên liệu thiếu mà nhà nước vẫn mở rộng cửa để xuất khẩu hoặc bán cho thương lái nước ngoài thì doanh nghiệp trong tỉnh rất khó. Vì các công ty nước ngoài tiềm lực tài chính rất mạnh, họ sẵn sàng cạnh tranh ngay ngắt với doanh nghiệp trong tỉnh. Ngược lại các doanh nghiệp của tỉnh tiềm lực tài chính không mạnh nên rất dễ bị phá sản”, bà Trương Thị Cẩm Hồng chia sẻ.

Tổng diện tích dừa của tỉnh Bến Tre năm 2016 trên 70.000 ha, tăng gần 2.000 ha so với năm 2015. Tuy nhiên, toàn tỉnh Bến Tre chỉ có khoảng 30 tổ liên kết sản xuất dừa và chỉ có 500 ha dừa được Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu dừa Bến Tre, Công ty Chế biến dừa Lương Quới bao tiêu sản phẩm.

Một số doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã giảm công suất hoạt động của công ty vì thiếu nguyên liệu dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm (giá cả hợp đồng, phương thức sản xuất…) vẫn còn gặp khó khăn giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; dẫn đến người dân gặp khó khăn trong sản xuất, doanh nghiệp thì trong thời điểm này các doanh nghiệp này vẫn gặp khó trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất nhỏ chưa liên kết với các hộ nông dân để hình thành các vùng nguyên liệu thì nguồn nguyên liệu dừa để chế biến là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp từ đầu năm 2017 đến nay.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre: “Doanh nghiệp và nông dân phải liên kết với nhau cùng xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất. Đây là vấn đề mang tính tất yếu để vừa có vùng sản xuất, đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, vừa ổn định đầu ra và giá cả cho người trồng dừa”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, hiện nay ngoài Công ty Betrimex và Công ty dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre cũng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm tới việc xây dựng vùng nguyên liệu đặc biệt là chuỗi liên kết với nông dân. Đó cũng là cách gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến dừa và người nông dân trong chuỗi liên kết hợp đồng sản xuất. Chính làm tốt điều này sẽ không lo doanh nghiệp bên ngoài cạnh tranh nhiều.

Theo đánh giá, tổng sản lượng dừa của Bến Tre cũng đủ để đáp ứng cho nhu cầu chế biến. Mặt khác, hiện tại không chỉ Bến Tre có diện tích dừa, hiện nay các tỉnh xung quanh như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng vẫn có diện tích dừa nhất định. Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có diện tích 150.000 ha, do đó việc thiếu nguyên liệu không phải là vấn đề lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục