Được “gỡ vướng”, nhiều máy móc của Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động trở lại​

16:17' - 23/03/2023
BNEWS Đến nay, nhiều máy móc tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại phục vụ người bệnh.

Hơn 3 tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, đến nay, nhiều máy móc tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại phục vụ người bệnh.

 

* Bệnh nhân mừng, bác sĩ vui

Ngày 23/3, theo lịch hẹn, ông Võ Công Sơn (52 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) đưa vợ quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy để xạ trị. “Vợ tôi bị u não, được các bác sĩ chỉ định điều trị với phác đồ 27 tia. Thế nhưng, xạ trị được 12 tia, Bệnh viện thông báo tạm ngưng do máy cần sửa chữa. Sau gần 2 tháng gián đoạn, hôm qua, Bệnh viện gọi vợ tôi lên để được xạ trị tiếp. Tôi rất mừng”, ông Sơn bày tỏ.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 4/5 máy xạ trị của đơn vị này hết thời hạn bảo hành, bảo trì, phải mua sắm linh kiện thay thế, chỉ còn một máy hoạt động được. Do đó, việc xạ trị của nhiều người bệnh ung thư bị gián đoạn.

Đến ngày 23/3, có 3/5 máy xạ trị của Trung tâm Ung bướu đã hoạt động trở lại, phục vụ người bệnh. Hiện, mỗi ngày bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 300 bệnh nhân xạ trị, trung bình mỗi máy xạ trị có công suất từ 60-80 bệnh nhân/ngày nên khi có 4 máy không thể hoạt động thì nhiều bệnh nhân rơi vào cảnh chờ đợi.

Sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, ngay lập tức khó khăn trong mua sắm linh kiện thay thế được tháo gỡ và đến nay đã có 3/5 máy xạ trị của Bệnh viện Chợ Rẫy hoạt động trở lại. “Khi các máy xạ trị hoạt động trở lại, bệnh nhân rất vui mà chúng tôi cũng rất mừng”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Sau hơn 2 tháng bị hỏng, không thể sửa chữa do vướng các quy định đấu thầu, mua sắm, đến ngày 22/3, máy CT - Scanner tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy mới được sửa chữa và hoạt động trở lại. Đây là những thuận lợi sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân cấp cứu, trong đó có nhiều người bệnh nặng phải chụp CT. Tại Bệnh viện, trước khi hai văn bản này ra đời, có đến 57% gói thầu bị “tắc” do thiếu ba báo giá nhưng nay hầu hết đã được gỡ vướng.

Cùng với đó, các trang thiết bị y tế bị hư hỏng, cần thay các linh kiện, bộ phận đã được mua sắm, sửa chữa và hoạt động trở lại. “Hầu hết các thiết bị đã bắt đầu hoạt động, các gói thầu khác đang được thực hiện tiếp. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, các vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa”, bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Với vai trò người đứng đầu một bệnh viện lớn của cả nước, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, vui mừng chia sẻ: Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đấu thầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị và vật tư y tế như: ngay lập tức tháo gỡ số giấy phép lưu hành của hóa chất và vật tư y tế tiêu hao; quy định ba báo giá; máy đặt máy mượn, máy cho/tặng….

“Đã có khoảng 2 tuần, Bệnh viện Chợ Rẫy không thể đặt stent cho người bệnh mạch vành, chỉ đặt cho người bệnh cấp cứu vì không thể mua sắm được stent. Nghị định 07 ra đời khiến một loạt vật tư y tế được thông quan, giải tỏa được tình trạng thiếu vật tư y tế tiêu hao”, bác sĩ Thức thông tin.

*Không đảm bảo trang thiết bị y tế là lỗi của người quản lý bệnh viện

Mặc dù Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị và vật tư y tế nhưng theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, đến nay các hệ thống máy móc của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa thể hoạt động hoàn toàn. Đơn cử vẫn còn 4/6 máy CT - Scanner, 2/5 máy xạ trị chưa thể hoạt động được.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Thức, Bệnh viện đang triển khai tiếp các gói thầu để sửa chữa các máy móc, trang thiết bị hư hỏng cần thay thế linh kiện còn lại. Dự kiến trung tuần tháng 4, các máy còn lại mới được đưa vào hoạt động.

Điều này khiến một số bệnh nhân ung thư vẫn phải gián đoạn xạ trị. Nhiều bệnh nhân ngoại trú phải chuyển sang Bệnh viện Quốc tế Ngoại thần kinh để chụp CT. Để thuận tiện hơn cho người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã bố trí xe đưa đón bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân phải chờ kết quả sang đến ngày hôm sau, bệnh viện bố trí chỗ ở miễn phí cho họ tại nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện.

“Để thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là lỗi của Giám đốc Bệnh viện. Không thể để bệnh nhân phải chịu hậu quả do lỗi của mình gây ra. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay. 

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức băn khoăn, Nghị quyết 30 chỉ tháo gỡ được các vướng mắc trong thời điểm hiện tại và có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. Do đó về lâu dài, bác sĩ Thức kiến nghị: Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên chia hàng hóa y tế vào nhóm hàng hóa đặc biệt, không thể xếp chung với các loại hàng hóa thông thường vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng người bệnh.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu nên có một chương riêng về y tế; trong đó quy định rõ ràng nếu xảy ra tình huống khẩn cấp trong y khoa, các đơn vị được phép mua sắm ngay những thiết bị, vật tư y tế, thuốc… mà không cần chờ đấu thầu.

Trước mắt, trong thời gian chờ sửa đổi Luật Đấu thầu, bác sĩ Nguyễn Tri Thức kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tạm thời cho phép các bệnh viện giải quyết những vấn đề cấp bách trong tình thế hiện nay (thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư) để các bệnh viện có thể dễ dàng mua sắm, giúp cho việc điều trị được thông suốt, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục