Đường Vành đai 4 tạo không gian phát triển mới của Thủ đô

14:58' - 31/05/2023
BNEWS Đường Vành đai 4 dài 112,8km kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác tạo không gian phát triển mới của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại.

Đặc biệt, tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

 

Với ý nghĩa to lớn đó, những ngày này, người dân ba tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, đặc biệt nơi có tuyến đường chạy qua chờ đợi ngày “ấn nút” phát lệnh khởi công con đường này để biến ước mơ về sự đổi mới, khởi sắc của bộ mặt nông thôn trở thành hiện thực.

“Thôn Bồng Lai và xã Hồng Hà có cầu nối lên đường Vành đai 4, chúng tôi rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Con đường này sẽ làm thay đổi diện mạo của quê hương”.

Đó là suy nghĩ của ông Doãn Ngọc Thìn (cụm 1, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) cũng giống như rất nhiều hộ dân các địa phương có tuyến đường chạy qua khi ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án.

Tuy nhiên, bà con cũng mong muốn thành phố quan tâm có cơ chế đền bù hỗ trợ phù hợp có lợi nhất cho người dân, sớm bố trí tái định cư để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống...

Bên cạnh những thuận lợi, công tác giải phóng mặt bằng dự án cũng gặp không ít khó khăn trong việc lập bản đồ giải phóng mặt bằng; kê khai, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản trên đất do một bộ phận người dân đi làm ăn xa; người dân chuyển đổi quyền sử dụng đất dẫn đến chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có công trình văn hóa tâm linh phải di dời; số lượng mồ mả trong phạm vi giải phóng mặt bằng lớn, đặc biệt là các phần mộ hung táng chưa thể di chuyển bởi phong tục tập quán địa phương...

Với quyết tâm khởi công dự án đúng kế hoạch đề ra, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội vào đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân đã giúp cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến nay đang bảo đảm tiến độ đề ra.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã đạt kết quả tích cực.

Đến nay, đã di chuyển được 6.007/10.921 ngôi mộ, đạt 55%. Các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043 ha đất, đạt 67,32%; trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi được 46/48,23ha; huyện Mê Linh được 114,30/145,66 ha; huyện Đan Phượng được 30,73/74,8 ha; huyện Hoài Đức được 138,30/239,63 ha; quận Hà Đông được 51,14/68,25 ha; huyện Thanh Oai được 59,31/86,94 ha; huyện Thường Tín được 97,49/134,54 ha.

Hiện, Ban quản lý dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV; đang trình thẩm định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công dự toán rà phá bom mìn… Dự kiến tháng 6/2023 bàn giao 80% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai giải phóng mặt bằng tại địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, cơ bản nhân dân đồng tình rất cao đối với dự án đường vành đai 4 và chấp hành bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Một số ý kiến về công tác đền bù đã được giải quyết kịp thời, ví dụ như dự án tái định cư của thôn Sâm Động, xã Vân Tảo, hay xã Yên Thái…, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Tại cuộc kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 vào trung tuần tháng 2/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, hầu hết các vùng tuyến đường Vành đai 4 đi qua là nông thôn, bà con sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người thành phố là 141,6 triệu đồng/người/năm, nhưng những nơi này thu nhập bình quân từ 53 - 55 triệu đồng/người/năm, chênh lệch rất lớn. Khi tuyến đường hình thành, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu đất phát triển đô thị của Hà Nội sẽ được tăng lên. Những khu vực này sẽ có điều kiện phát triển, người dân sẽ gia tăng thu nhập...

Đây cũng chính là mong mỏi, trông đợi của đông đảo người dân Hà Nội với 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Sự góp mặt của đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ làm bộ mặt nông thôn nơi tuyến đường đi qua khởi sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Đánh giá về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô mới đây, Thường trực Chính phủ thống nhất, Hà Nội cùng với Hưng Yên, Bắc Ninh đã rất quyết liệt triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng cả nước đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng.

Về một số kiến nghị của thành phố Hà Nội đối với dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Thường trực Chính phủ thống nhất với kiến nghị của UBND thành phố về việc tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định bố trí bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để triển khai khởi công dự án trong tháng 6 năm 2023. Đồng thời, tổng hợp gửi UBND thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối để chủ trì tổng hợp các nội dung liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Về cho phép thành phố Hà Nội chủ động thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.1 và 2.1, Thường trực Chính phủ  yêu cầu thành phố Hà Nội thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp phát sinh điều chỉnh về quy hoạch, mục tiêu, phạm vi, quy mô, làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua, thì UBND thành phố Hà Nội tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về việc cho phép dự án thành phần 2 và nhà đầu tư đối với dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thủ về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội. Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, xử lý kiến nghị của thành phố Hà Nội trong tháng 6 năm 2023.

Về việc thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán của tiểu dự án trong dự án PPP thì giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, xử lý kiến nghị của thành phố Hà Nội trong tháng 6 năm 2023.

Về thanh toán tiểu dự án trong dự án PPP thì giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, xử lý kiến nghị của thành phố Hà Nội trong tháng 6 năm 2023.

Về việc đánh giá giá trị đấu thầu của Nhà đầu tư đối với Tiểu dự án trong dự án PPP thì giao Bộ Kế hoạch và Đầu chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, xử lý kiến nghị của thành phố Hà Nội trong tháng 6 năm 2023.

Về việc giao thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao Ban quản lý dự án chuyên ngành thành phố là chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP. Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính hướng dẫn, xử lý kiến nghị của thành phố Hà Nội trong tháng 6 năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục