ECB trước những lựa chọn khó khăn khi đồng euro ở mức thấp kỷ lục

16:17' - 08/07/2022
BNEWS Đồng euro giảm giá mạnh hướng đến ngưỡng ngang giá với đồng USD đã đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó.

Đồng euro giảm giá mạnh hướng đến ngưỡng ngang giá với đồng USD đã đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó, khiến các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này chỉ còn những lựa chọn tốn kém và gây tác động lớn đến nền kinh tế.

 

Việc để đồng euro xuống giá sẽ khiến lạm phát tăng dù đã ở mức cao kỷ lục, từ đó làm tăng nguy cơ kéo dài tình trạng lạm phát cao vượt mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, để nâng giá trị đồng euro lên từ mức thấp kỷ lục trong 20 năm sẽ đòi hỏi lãi suất phải tăng nhanh hơn, với những tác động lớn hơn đến nền kinh tế vốn đã đối mặt với nguy cơ suy thoái, khi khả năng thiếu khí đốt và giá năng lượng cao đang làm giảm sức mua.

Cho đến nay, ECB nói rằng không có mục tiêu về tỷ giá. Thậm chí, các báo cáo của cuộc họp chính sách tháng Sáu được công bố ngày 7/7 không cho thấy mối lo ngại đặc biệt. Tuy nhiên, biến động thị trường quá lớn không thể bỏ qua.

Người phụ trách nghiên cứu vĩ mô tại châu Âu của Natixis CIB, Dirk Schumacher, cho rằng việc đồng euro xuống giá cho thấy phản ứng chậm trễ của ECB. Do lạm phát cao, đồng euro lên giá sẽ kéo lạm phát xuống.

Đồng euro đã giảm 10% so với đồng USD trong năm nay. Điều này khiến giá hàng nhập khẩu tăng, đặc biệt là giá năng lượng và những hàng hóa khác được định giá theo đồng USD.

Các báo cáo mà ECB thường dẫn ra cho thấy tỷ giá hối đoái giảm 1% sẽ làm tăng lạm phát 0,1 điểm phần trăm trong một năm và 0,25 điểm phần trăm trong ba năm.

Vấn đề là các nền tảng kinh tế cho thấy khả năng đồng euro sẽ tiếp tục giảm.

Trước hết, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng trái chiều.

Trong khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell, nêu rõ ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế khi tăng mạnh lãi suất để hạ lạm phát, ECB tiếp tục các bước đi ban đầu trong việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng đã thực hiện trong thập niên qua, khi lạm phát quá thấp.

Tiếp đến, sự phụ thuộc lớn của Khu vực sử dụng đồng euro vào năng lượng, đặc biệt là vào khí đốt của Nga, cũng khiến nền kinh tế khu vực dễ bị tổn thương hơn trước tác động từ xung đột tại Ukraine (U-crai-na), một diễn biến gây sức ép lên đồng tiền chung.

Theo ngân hàng ING, trước nguy cơ suy thoái, ECB bị hạn chế trong khả năng tăng lãi suất mạnh để bảo vệ đồng tiền.

Cuối cùng, hóa đơn năng lượng của khối đã khiến kim ngạch nhập khẩu tăng, dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai vốn hiếm khi xảy ra. Dòng tiền chảy ra như vậy cũng làm giảm giá euro theo thời gian.

Để giúp đồng tiền phục hồi, ECB có thể tăng lãi suất mạnh hơn, với một lần tăng 50 điểm cơ bản trong tháng Chín và các lần tăng sau vào tháng 10 và 12.

Tuy nhiên, do thị trường đã dự báo về một động thái như vậy, ECB phải ít nhất là phần nào đồng tình với quan điểm của Fed trong việc ưu tiên hạ nhiệt lạm phát, dù nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục