EIU: Du lịch ngày càng đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam

09:19' - 05/12/2016
BNEWS Ngành du lịch đang ngày càng phát huy vai trò trụ cột, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam với nhiều triển vọng tích cực.
Du khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe xíchlô. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Đó là đánh giá của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh). Tuy nhiên, cũng theo EIU, Chính phủ Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời giải quyết những quan ngại về vấn đề môi trường để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và lâu dài. Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục tăng mạnh.

Theo số liệu do Tổng cục Du lịch vừa công bố, trong 11 tháng năm 2016, có hơn 9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ tính riêng tháng 11/2016, khách quốc tế đạt khoảng 920.000 lượt, tăng khoảng 14% so với tháng 10/2016. Không chỉ tạo thêm việc làm, ngành du lịch còn mang lại cơ hội quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ và một số dịch vụ khách hàng khác.

Lý giải về tốc độ tăng trưởng khả quan này, EIU cho rằng chính sách miễn thị thực trong vòng 15 ngày được Chính phủ áp dụng từ tháng 6/2015 đối với công dân các nước như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha đã phát huy hiệu quả tích cực. Cơ quan chức năng phụ trách lĩnh vực xuất nhập cảnh quyết định kéo dài chính sách miễn thị thực đến tháng 6/2017. Từ tháng 1/2017 tới, Việt Nam cũng sẽ áp dụng thị thực điện tử mà không yêu cầu người xin thị thực phải có thư mời hay thư bảo đảm từ một cá nhân hay tổ chức tại Việt Nam.

Uy tín của Việt Nam như một điểm đến du lịch quốc tế ngày càng được củng cố và tăng cường. Theo EIU, trong những năm tới, ngành du lịch sẽ trở thành một bộ phận quan trọng của cả nền kinh tế quốc dân. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) ước tính mức đóng góp trực tiếp của ngành du lịch Việt Nam vào GDP năm 2015 là 6,6%, và tổng đóng góp, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đạt khoảng 13,9% năm 2015. Tỷ trọng này có thể tăng lên mức 15,2% vào năm 2026.

Những danh lam thắng cảnh cùng với vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng tại các thị trường du lịch phương Tây. Bên cạnh đó, nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực cũng giúp thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Giới quan chức ngành du lịch Việt Nam dự báo đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới.

Theo EIU, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện từng cho rằng Việt Nam sẽ thu hút khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020, tạo ra hàng triệu việc làm. Việt Nam có đủ khả năng vượt qua mục tiêu này, nhưng điều đó cần tới vai trò quản lý hiệu quả và sát sao hơn từ phía cơ quan chức năng.

Tuy vậy, EIU cho rằng một trong những trở ngại ngăn cản Việt Nam sớm khẳng định vị thế trên thị trường du lịch toàn cầu chính là chất lượng cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đi lại của du khách. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành du lịch mà còn cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp hoặc thiếu trầm trọng là một nguyên nhân dẫn đến việc du khách chỉ tập trung vào một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, gây ra tình trạng quá tải cũng như các vấn đề môi trường.

Chính phủ Việt Nam gần đây đã nỗ lực cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Một nhà ga quốc tế được xây mới tại sân bay Nội Bài cùng hàng loạt cầu được bắc thêm qua sông Hồng giúp rút ngắn quãng thời gian về đến nội đô Hà Nội. Mặc dù vậy, việc tăng cường đầu tư cho du lịch cần đảm bảo mục tiêu bảo vệ di sản và vẻ đẹp thiên nhiên.

Trong khi đó, du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ đe dọa tốc độ tăng trưởng, liên quan đến vấn đề y tế, quy chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục