EU kêu gọi tăng cường ngoại giao khí hậu sau khi Mỹ rút lui

12:48' - 23/01/2025
BNEWS Theo Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu của EU Wopke Hoekstra, châu Âu cần tăng cường vai trò ngoại giao về khí hậu, sau khi Tổng thống Mỹ một lần nữa rút khỏi nỗ lực toàn cầu chống suy thoái khí hậu.
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 22/1, Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), ông Wopke Hoekstra, cho biết châu Âu cần phải tăng cường vai trò ngoại giao về khí hậu, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa rút khỏi nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự suy thoái khí hậu.

Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), ông Wopke Hoekstra, đã bày tỏ sự "đáng tiếc" khi ông Trump vừa nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai đã ký sắc lệnh hành pháp rút khỏi tiến trình hành động khí hậu toàn cầu được khởi xướng cách đây 10 năm tại Paris.

 
Một trong những hệ quả đó là các cường quốc hàng đầu thế giới khác sẽ phải tìm ra ai sẽ dẫn dắt trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 30 (COP30) dự kiến diễn ra vào cuối năm 2025 ở Brazil. Tại đây, các quốc gia dự kiến sẽ công bố kế hoạch tăng cường nỗ lực giảm phát thải.

Ông Hoekstra nhấn mạnh rằng EU sẽ tiếp tục hợp tác với "những người bạn Mỹ" trong lĩnh vực hành động khí hậu, cũng như các vấn đề cấp bách về địa chính trị và thương mại. Đồng thời, châu Âu phải chủ động hơn trong các hoạt động ngoại giao trên toàn thế giới.

Các dấu hiệu cho thấy sẽ cần một nỗ lực đáng kể trước COP30. Với thời hạn chót là tháng 2/2025, chỉ có sáu quốc gia nộp bản cập nhật cam kết hành động khí hậu theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Một trong số đó là "món quà chia tay" từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.

Trước đó, Ủy ban châu Âu dự kiến trong những tuần tới sẽ trình bày một chiến lược để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, với việc Mỹ đã là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) chính cho EU và chính phủ mới của Tổng thống Trump có ý định tăng cường xuất khẩu, có những lo ngại rằng châu Âu có thể vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, chỉ là từ một nguồn khác.

Ông Hoekstra cho biết EU sẽ tăng cường triển khai năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng lưới điện. Bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - Trung Quốc. Ông Hoekstra lưu ý rằng không có giải pháp nào khả thi nếu Trung Quốc không tham gia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục