EU khuyến nghị về cam kết chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp

19:03' - 09/11/2017
BNEWS Đưa ra chế tài xử phạt và tăng mức xử phạt thật cao đối với các hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không theo quy định.
Thả sò lông con xuống biển Thuận Quý. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đưa ra chế tài xử phạt và tăng mức xử phạt thật cao đối với các hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU) vào ngay trong dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi; có những bằng chứng, hành động cụ thể thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU…

Đó là những khuyến nghị của bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng ban Thương mại và Kinh tế của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam về vấn đề chống IUU, tại cuộc họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và cộng đồng doanh nghiệp hải sản được tổ chức ngày 9/11, ở Tp. Hồ Chí Minh.

* Có thể tác động đến tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Theo bà Miriam Garcia Ferrer, hiện nay việc bị giơ "thẻ vàng" thì chưa kèm theo các biện pháp trừng phạt về thương mại. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có các biện pháp khắc phục, chống IUU hiệu quả thì nguy cơ bị phạt "thẻ đỏ" là rất lớn và kèm theo nhiều hệ lụy khác.

Nhất là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thông qua vào thời điểm giữa năm 2018.

Lấy dẫn chứng từ trường hợp của Thái Lan, bà Miriam Garcia Ferrer cho biết, Thái Lan bị EU cảnh cáo "thẻ vàng" do không đáp ứng quy định về chống khai thác IUU từ tháng 4/2015.

Từ đó cho đến nay, mặc dù nước này đã có nhiều nỗ lực và triển khai một số giải pháp khắc phục như thay đổi khung pháp lý, thực hiện truy xuất nguồn gốc, quản lý tàu cá... nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để nước này được gỡ bỏ "thẻ vàng".

Hậu quả là đến nay, FTA Thái Lan – EU vẫn chưa được phê chuẩn khiến doanh nghiệp Thái Lan lỡ nhiều cơ hội phát triển thương mại.

“Với việc bị EU cảnh cáo thẻ vàng, nếu thời gian tới Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, quy định của EU về chống khai thác IUU thì không chỉ hải sản Việt Nam bị “thẻ đỏ” cấm xuất khẩu vào EU, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hiệp định EVFTA.

Nghị viện châu Âu sẽ khó phê chuẩn FTA nếu Việt Nam vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp”, bà Miriam Garcia Ferrer nói.

Không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị cấm cửa ở một số thị trường lớn khác nếu chẳng may bị “thẻ đỏ” của EU.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam (Bình Thuận), mới đây một số đối tác lớn ở Nhật Bản đã tuyên bố, nếu Việt Nam bị phạt "thẻ đỏ" về IUU từ phía EU thì Chính phủ Nhật Bản cũng không cho phép doanh nghiệp Nhật thu mua sản phẩm hải sản của Việt Nam.

Các hợp đồng gia công phía Nhật Bản cũng không thể giao cho doanh nghiệp Việt Nam. Không những vậy, tất cả các sản phẩm hải sản Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, đều không được phép nhập khẩu vào EU.

“Đây thực sự là vấn đề rất nghiêm trọng, vì tôi biết rằng có một số doanh nghiệp nghĩ, không bán được vào EU thì có thể tìm thị trường khác.

Tuy nhiên, việc tìm được thị trường khác là không khả thi. Vì không chỉ riêng EU, từ tháng 1/2018, Mỹ cũng bắt đầu triển khai chống IUU. Nếu Việt Nam bị phạt "thẻ đỏ", chúng ta mất thị trường EU, mất luôn cả thị trường Nhật, rồi Mỹ nữa thì xuất khẩu hải sản sẽ gần như không còn lối thoát”, bà Sắc nói.

* Cơ hội để thay đổi tích cực

Ngay sau khi nhận được cảnh cáo "thẻ vàng" từ EU, Việt Nam đã triển khai một số giải pháp khắc phục theo các khuyến nghị của EU đưa ra.

Nội dung của các khuyến nghị này chủ yếu liên quan đến vấn đề khung pháp lý và thực thi; quản lý đội tàu và năng lực khai thác; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát; hệ thống chứng nhận thủy sản khai thác và truy xuất nguồn gốc; các vấn đề liên quan đến vấn đề “Tàu xanh” (Blue boats – tàu khai thác hải sản bất hợp pháp) bao gồm cả việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu nước ngoài khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và tàu Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các nước khác.

Trước những yêu cầu mới của thị trường, dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi đã bổ sung nội dung chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp thành một chương và hiện đang được Quốc hội góp ý thông qua.

Đây được xem là khung pháp lý quan trọng, thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong việc chống đánh bắt IUU.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Liên minh EU cho rằng, đáng tiếc là bản dự thảo nội dung Luật Thủy sản sửa đổi mà phía Việt Nam gửi mà EU nhận được lại cho thấy nhiều nội dung không theo tiêu chuẩn quốc tế mà EU khuyến nghị.

Theo bà Miriam Garcia Ferrer, khuyến nghị của EU đưa ra về IUU không phải mang tính áp đặt, cứng nhắc mà đưa ra cho Việt Nam tham chiếu tiêu chuẩn quốc tế để có những quy định đưa vào dự thảo luật Thủy sản sửa đổi.

Một văn bản Luật khi đã được thông qua thì cần mất rất nhiều thời gian mới có thể sửa đổi, bổ sung lại. Do vậy, dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi lần này nếu không được điều chỉnh phù hợp với quy định quốc tế sẽ không mang lại lợi ích cho Việt Nam và nguy cơ bị "thẻ đỏ" là điều khó tránh khỏi.

Bà Miriam Garcia Ferrer cũng đề xuất dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi cần quy định rõ chế tài xử phạt và tăng mức chế tài cao hơn, nhằm thể hiện được sự “mạnh tay” quyết liệt của chính phủ Việt Nam trong công tác chống khai thác bất hợp pháp.

Nếu chỉ đưa vào văn bản dưới luật như thông tư hướng dẫn thì sẽ không thấy thuyết phục, khi đó việc giữ "thẻ vàng" đã khó chứ chưa nói đến "thẻ xanh".

“Việt Nam đừng coi "thẻ vàng" của EU là mối lo ngại mà chính là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực hơn, để hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt.

Khi đó hải sản vùng biển Việt Nam sẽ dồi dào hơn, khai thác bền vững hơn, gia tăng uy tín và việc lấy lại "thẻ xanh" là chuyện đương nhiên. EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt quy định này”, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ.

Vị đại diện này cũng cho biết, sắp tới Đoàn Công tác của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của EC sẽ sang thanh tra việc thực hiện quy định IUU của Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần thể hiện những thay đổi thiết thực, có những bằng chứng cụ thể chứng minh nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU đã và đang mang lại hiệu quả. Khi đó, dù Việt Nam có thể vẫn bị "thẻ vàng" nhưng sẽ giúp Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, góp phần tác động tích cực đến thương mại hai bên./.

l

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục