Eximbank phấn đấu trở về Top 10 ngân hàng thương mại tốt nhất

16:19' - 27/05/2022
BNEWS Trong năm 2022, Eximbank lên kế hoạch kinh doanh rất khả quan, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021, dù năm ngoái nằm trong nhóm ngân hàng giảm lợi nhuận.

Sau lần tổ chức bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, ngày 27/5, tại Tp.Hồ Chí Minh, Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần 2 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) diễn ra khá suôn sẻ với tỷ lệ tham dự lên tới gần 95%.

 


Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh và điều hành tại Eximbank bị ảnh hưởng đáng kể do các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung. Sau 3 năm tổ chức bất thành, mãi tới đầu năm 2022, ngân hàng này mới tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên.
Tại đây, đại hội cũng đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) với 7 thành viên; trong đó có 1 thành viên độc lập. Các thành viên trong HĐQT cũng là đại diện cho các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng như Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), Tập đoàn Thành Công, Công ty Âu Lạc, Bamboo Capital…
Dù trong số 7 thành viên HĐQT chỉ có một người ở nhiệm kỳ cũ, là bà Lương Thị Cẩm Tú, hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank, tuy nhiên cổ đông vẫn lo ngại yếu tố lợi ích nhóm sẽ chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngân hàng.
Giải đáp thắc mắc này của cổ đông, bà Lương Thị Cẩm Tú cho biết, đúng là hiện nay, các thành viên HĐQT của ngân hàng đang đại diện cho các nhóm cổ đông lớn. Tuy nhiên, hoạt động của các thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ VII hoàn toàn độc lập, vì một mục tiêu chung, với quyết tâm minh bạch hóa tất cả các vấn đề liên quan đến chiến lược, hoạt động ngân hàng.
Do đó, không có bất kỳ nhóm lợi ích nào có liên quan đến hoạt động riêng mà có thể chi phối và ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, đảm bảo quyền lợi của tất cả các cổ đông.
“Nếu các nhóm cổ đông có hệ sinh thái tốt, Eximbank vẫn sẵn sàng ủng hộ, nhưng phải đảm bảo dựa trên các quy định của pháp luật, nhất là trong việc cấp phát tín dụng hoặc các hoạt động có liên quan tín dụng, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro cho hoạt động của ngân hàng. Qua đó, nỗ lực đưa Eximbank trở về Top 10 ngân hàng thương mại tốt nhất theo kỳ vọng của HĐQT và cổ đông”, bà Lương Thị Cẩm Tú chia sẻ.
Đối với vấn đề cổ đông ngoại SMBC rút vốn khỏi ngân hàng, lãnh đạo Eximbank cũng cho biết, hiện cổ đông chiến lược SMBC chỉ mới thông báo chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược, song vẫn là cổ đông lớn của ngân hàng. Đến nay, ngân hàng vẫn chưa nhận được thông báo rút vốn của SMBC.
Trong năm 2022, Eximbank lên kế hoạch kinh doanh rất khả quan, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021, dù năm ngoái nằm trong nhóm ngân hàng giảm lợi nhuận.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, kế hoạch kinh doanh năm nay cũng không ít thách thức, nhưng ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch này.

Theo ông Trần Tấn Lộc, trong năm 2022, ngân hàng sẽ tập trung cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng hợp lý hơn. Song song đó, ngân hàng cũng đẩy mạnh các nguồn thu khác, tiết giảm chi phí; đồng thời đẩy mạnh thu hồi nợ xấu đố với các khoản đã trích lập dự phòng.

“Trong quý I, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 809 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 32% kế hoạch đề ra. Với tiền đề này, Eximbank tự tin sẽ thực hiện được kế hoạch năm 2022”, lãnh đạo Eximbank cho biết.

Về dài hạn, để rút ngắn khoảng cách với các ngân hàng khác sau thời gian bị tụt lại, lãnh đạo Eximbank cho rằng, ngân hàng vẫn có lợi thế cạnh tranh là thương hiệu lớn. Nếu hành động quyết liệt, Eximbank sẽ sớm rút ngắn khoảng cách với đối thủ trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục