Fed tăng lãi suất: Hệ lụy đối với nền kinh tế và thị trường toàn cầu

11:32' - 02/02/2023
BNEWS Chuyên gia trước đó dự đoán Fed sẽ siết chặt chính sách tiền tệ và chỉ tăng nhẹ lãi suất trong lần công bố này, song quyết định của Fed cũng gây ra không ít biến động trên các thị trường tài chính.

Ngày 1/2 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, và có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của Fed, nhưng là đợt tăng lãi suất quy mô nhỏ nhất kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022, khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.

 

Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - lưu ý rằng lạm phát đã dịu bớt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao. Mặc dù các thị trường kỳ vọng cuộc họp trong tuần này sẽ phát đi các tín hiệu cho thấy Fed sẽ sớm chấm dứt việc tăng lãi suất, nhưng FOMC không đưa ra gợi mở nào về khả năng này.

Quyết định nâng lãi suất của Fed được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2022 đạt 2,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước đó, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng mà các chuyên gia đã đưa ra.

Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Dù giới chuyên gia trước đó dự đoán Fed sẽ siết chặt chính sách tiền tệ và chỉ tăng nhẹ lãi suất trong lần công bố này, song quyết định của Fed cũng gây ra không ít biến động trên các thị trường tài chính. Hầu hết các mã chứng khoán lớn đều giảm điểm ngay sau công bố của Fed, trước khi quay đầu tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 1/2.

Trong khi đó, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ, vốn nhạy cảm với các quyết định lãi suất của Fed, đột ngột giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong ngày, chỉ ở mức khoảng 4,12%. Đồng USD cũng trượt giá nhẹ so với các ngoại tệ khác.

Đồng bitcoin và thị trường tiền kỹ thuật số nói chung ổn định hơn sau thông báo tăng nhẹ lãi suất của Fed. Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường, giao dịch ở ngưỡng 23.029 USD, tăng nhẹ 0,3%.

Giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.941 USD/ounce khoảng nửa giờ sau thông báo về quyết định tăng lãi suất của Fed, trước khi tăng lên mức 1.960,5 USD/ounce, sau những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại họp báo. Ông Powel nói rằng, nếu như lạm phát diễn ra theo đúng dự báo, Fed có thể sẽ đẩy lãi suất lên biên độ 5-5,25% và dừng lại. Theo Chủ tịch Fed, nền kinh tế Mỹ đang chứng kiến nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, như thị trường lao động và giá cả tiêu dùng, song khẳng định “hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng”.

Theo Chủ tịch công ty quản lý tài sản Libertas Wealth Management Group, Adam Koos, việc Fed tăng lãi suất tại cuộc họp vừa qua đã kéo giá vàng xuống, nhưng mức tăng 25 điểm cơ bản không gây bất ngờ cho các nhà giao dịch.

Trong khi giá vàng thế giới giảm sau quyết định tăng lãi suất của Fed, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng trong sáng 2/2. Lúc 10 giờ 45 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,80 - 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Thị trường dầu mỏ dường như ít chịu tác động hơn từ cuộc họp của Fed, thay vào đó giới đầu tư hướng sự chú ý lớn hơn tới số liệu mới nhất về lượng dự trữ nhiên liệu của Mỹ. Điều này khiến giá dầu thế giới biến động trái chiều lúc chốt phiên 1/2.

Nhà phân tích về năng lượng Carsten Fritsch tại công ty nghiên cứu thị trường Commerzbank Research cho rằng lực cản trên thị trường đến từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước khi diễn ra nhiều cuộc họp của các ngân hàng trung ương trong tuần này và việc lượng dầu xuất khẩu của Nga vẫn cao.

Tuy nhiên, bất chấp những bình luận của ông Powell tại cuộc họp báo cùng ngày, các nhà đầu tư dường như không tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Theo công cụ FedWatch của CME, tính đến đầu giờ chiều 1/2, các nhà giao dịch dự đoán xác suất 97,2% rằng lãi suất sẽ ở mức 5% hoặc thấp hơn vào tháng 12 tới.

Liz Young, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại ngân hàng trực tuyếnSoFi, cho rằng nhìn rộng ra, điều này phản ánh niềm tin rằng suy thoái kinh tế sắp xảy ra và Fed sẽ cần bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2023 để kích thích nền kinh tế, hoặc lạm phát sẽ giảm nhanh chóng trong năm nay và không cần Fed phải tăng lãi suất nữa. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng lạm phát sẽ "hạ nhiệt" nhanh chóng, đặc biệt là khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng tương đối mạnh bất chấp các đợt tăng lãi suất liên tiếp vào năm 2022.

Ông Powell từng nhấn mạnh quan điểm rằng việc chống lạm phát đòi hỏi quyết tâm và kiên nhẫn, và đỉnh của lãi suất - mức mà ở đó Fed dừng tăng - sẽ phải cao hơn. Một số chuyên gia bày tỏ sự “thông cảm” với ông Powell khi ông phải đưa ra một quan điểm cứng rắn như vậy. Chuyên gia kinh tế Veronique de Rugy thuộc Đại học George Mason (Mỹ) phát biểu.“Có sức ép từ nhiều phía đòi hỏi ông Powell phải tạm dừng việc tăng lãi suất và chờ độ trễ của các đợt tăng đã có. Nhưng tôi không cho là sẽ có một lựa chọn khác ngoài việc chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế. Chẳng còn cách nào khác để chống lại tình trạng lạm phát cao này mà không phải hứng chịu những cơn đau”.

Việc Mỹ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tác động đến kinh tế thế giới ở một số phương diện như đẩy mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm. Đồng thời, khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD. Điều này có thể kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu. Lãi suất USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Ngoài ra, việc tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính nhận định rằng nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây áp lực khá lớn lên chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bởi việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến hai yếu tố: một là về tiền tệ, sẽ buộc Việt Nam phải tăng lãi suất; hai là chính sách tỷ giá hối đoái bởi đồng USD tăng cao.

Đối với thị trường tài chính trong nước, một số chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang chịu tác động tiêu cực của việc thắt chặt tín dụng cho các công ty bất động sản gần đây đối với phần còn lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Michael Kokalari - Kinh tế gia trưởng thuộc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, khảo sát trực tiếp của VinaCapital đối với nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhận thấy, cuộc thắt chặt tín dụng hiện nay chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty bất động sản và một số công ty nhỏ hơn. Các công ty lớn ngoài lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tiếp cận đến các nguồn tín dụng – mặc dù lãi suất có cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục